Bằng nỗ lực nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất và nuôi thương phẩm thành công giống hàu Thái Bình Dương – có giá trị xuất khẩu cao
Hàu Thái Bình Dương là loài hải sản có giá trị cao về mặt kinh tế lẫn y học nhưng trên thế giới không phải quốc gia nào cũng có thể tạo được con giống và nuôi thương phẩm thành công.
Việt Nam cũng là nước không có giống hàu này trong tự nhiên nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào con giống sản xuất nhân tạo. Để giải quyết khó khăn này, từ nhiều năm qua, thạc sĩ Cao Trường Giang và các cộng sự ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm thành công hàu Thái Bình Dương.
Để nghiên cứu, các nhà khoa học đã phải đóng quân thường xuyên tại vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) kể từ năm 2008, sử dụng con giống nhân tạo nhập từ nước ngoài về để tìm cách nhân giống tại chỗ trong điều kiện tự nhiên của nước ta. Sau một năm vật lộn với việc nhân giống, nhóm nghiên cứu đã thành công khi tạo được con giống hàu Thái Bình Dương đạt chất lượng như con giống nhập khẩu. Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cũng được hoàn thiện với khả năng có thể cung cấp 100-120 triệu con giống/năm.
Không dừng ở đó, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu quy trình nuôi thương phẩm giống hàu này sao cho phù hợp và hiệu quả nhất với tình hình nước ta bằng việc sử dụng con giống đã tạo được để nuôi thử trong vòng 10 tháng, với 3 hình thức: nuôi túi, nuôi dây và nuôi khay. Kết quả đã thu được 50 tấn hàu thương phẩm bảo đảm các chỉ tiêu về kỹ thuật, hàu đạt kích thước 7-9 cm và không mang bệnh, số lượng sống sót đạt 80%. Hình thức nuôi dây được kết luận là cho hiệu quả cao nhất với chiều dài con hàu sau 10 tháng nuôi là 63,9 mm; độ béo 24,2%, trọng lượng đạt 107 g.
Ngay sau khi nhóm nghiên cứu thực nghiệm thành công, người dân ở Hải Phòng và Quảng Ninh đã được cung cấp nguồn giống để triển khai nuôi hàu trên diện rộng. Nếu thu được sản lượng 20.000 tấn như dự kiến trong năm 2011, người dân ở hai địa phương này sẽ thu được khoảng 400 tỉ đồng