Tin tức

Ưu đãi FDI: chọn – cho trên lợi ích

Việc Nokia lần chần với kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam khi những yêu cầu về ưu đãi cao nhất cho dự án công nghệ cao chưa được Chính phủ chấp nhận do chưa hội tụ điều kiện làm dấy lên quan điểm khác nhau về chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Mặc dù chưa có thông tin chính thức về kết quả mới trong đợt làm việc tiếp sau giữa Nokia và Chính phủ Việt Nam, rằng có thể Nokia sẽ phải chấp nhận thêm một số điều kiện để đạt được những ưu đãi dành cho dự án công nghệ cao, nhưng cách ứng xử với công cụ ưu đãi theo hướng cân nhắc chi phí – lợi ích của từng dự án, của từng nhà đầu tư lớn mà Chính phủ đang thực hiện một lần nữa nhấn mạnh thông điệp nhất quán trong chính sách thu hút FDI theo định hướng chọn dòng vốn FDI chất lượng cao, gắn với chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

 

Xử lý ưu đãi theo mức độ những mục tiêu mà chính sách đề ra được nhà đầu tư đáp ứng cũng là cách được áp dụng đối với Dự án tăng vốn lên 1,5 tỷ USD của Tổ hợp Dự án công nghệ thông tin Samsung tại Bắc Ninh hồi tháng 6/2011, khi mà không phải mọi đề xuất ưu đãi của nhà đầu tư này đều phù hợp với bài toàn lợi ích của Việt Nam.

 

Không ít quan điểm lo ngại, sự chặt chẽ hơn trong chính sách thu hút FDI ảnh hưởng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam, mà cụ thể là số lượng vốn đăng ký giảm đi mạnh mẽ trong 7 tháng đầu năm 2011, đạt 9 tỷ USD, bằng 75,6% so với cùng kỳ.

 

Thực ra, con số này đã có sự thay đổi lớn so với lần công bố vào ngày 20/6 trước đó, khi 2,25 tỷ USD là của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương do Tập đoàn Jaks Resources Berhad (Malaysia) đầu tư vừa được cấp phép trong ngày cuối cùng của tháng 6/2011 sau 9 tháng xét duyệt hồ sơ. Dự án này cũng nhận được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với thu nhập từ sản xuất điện trong thời gian 25 năm, kể từ khi có doanh thu.

 

Rõ ràng, sự quyết tâm của các tập đoàn lớn trong các kế hoạch kinh doanh dài hạn tại Việt Nam vào lúc này cho thấy, ưu đãi không hẳn là điều kiện tiên quyết để họ quyết định lựa chọn đầu tư tại Việt Nam, khi mà tính toán kinh tế của một dự án phụ thuộc nhiều hơn vào các điều kiện về thị trường, hạ tầng, lao động…

 

Tất nhiên, với mục tiêu thu hút FDI chủ động, việc tiếp cận và đàm phán ưu đãi trực tiếp thay vì đưa ra những ưu đãi chung chung là cần thiết, song phải được tiến hành trong khuôn khổ chính sách FDI nói chung. Nhất là khi cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một khảo sát chính thức nào về những tổn phí mà nền kinh tế phải bỏ ra khi thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư với khu vực FDI so với những đóng góp của khu vực này với nền kinh tế.

 

Có lẽ cũng phải nhắc tới tình trạng một số dự án FDI đã hoạt động tới gần chục năm vẫn chưa nộp được đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào do những chính sách ưu đãi được cấp quá rộng tay. Thậm chí, ngay cả với những doanh nghiệp được ghi nhận có lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, mức lãi dường như quá nhỏ bé so với lợi thế kinh doanh mà dự án đã nhận được từ các cơ chế ưu đãi. Có nghĩa là, có thể có ưu đãi đầu tư không gây tổn phí trong ngắn hạn, nhưng lại có chi phí lớn trong dài hạn.

 

Do đó, về mặt khung khổ pháp lý, chính sách ưu đãi đầu tư phải phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, đi đôi với ngành nghề, lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, và cần phải giữ ưu đãi ở mức bình quân so với các nước trong khu vực để làm cơ sở tham chiếu cho các nhà đầu tư tiềm năng. Đó cũng là cơ sở để xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực cần khuyến khích.

 

Với sự thay đổi về ưu đãi đầu tư này, việc xác định danh mục những nhà đầu tư ưu tiên cũng cần phải được nghiên cứu trên cơ sở phản biện khoa học, để đảm bảo bài toán lợi ích kinh tế được cân nhắc khi quyết định ưu đãi đầu tư…
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status