Tin tức

Nhìn nhận FDI nửa đầu 2011

Trước thực trạng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng qua chỉ bằng 72,9% cùng kỳ năm trước, có ý kiến cho rằng, đây là năm đầu tiên kể từ năm 2008, FDI vào Việt Nam sụt giảm.

Tuy nhiên, theo GS – TSKH Nguyễn Mại, cần có cách tiếp cận dài hạn đối với FDI thì mới có thể đưa ra nhận định phù hợp.

Kỳ I: Tiếp cận dài hạn FDI

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay là 6,66 tỷ USD, bằng 72,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 30% tổng vốn đăng ký dự kiến (khoảng 20-21 tỷ USD) cả năm. Có chuyên gia kinh tế nhận định rằng, đây là biểu hiện sụt giảm FDI lần đầu tiên vào Việt Nam kể từ năm 2008.

 

Tuy nhiên, khi đánh giá tình hình FDI cần lưu ý rằng, đầu tư là hoạt động dài hạn, dự án đầu tư xây dựng xí nghiệp sản xuất quy mô vừa 10-20 triệu USD nếu “thuận buồm xuôi gió” kể từ khi được cấp giấy phép thì cần có thời gian 2-3 năm mới đưa vào kinh doanh. Quy mô càng lớn thì thời gian có thể dài hơn. Trong khi thương mại là hoạt động ngắn hạn, các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu phải dự báo thị trường hàng tuần, hàng tháng để ký được những hợp đồng có lợi, xuất khẩu được giá cao và nhập khẩu được giá thấp. Do vậy, cần có cách tiếp cận dài hạn đối với FDI 6 tháng đầu năm thì mới có thể đưa ra những nhận định phù hợp với đặc điểm hoạt động đầu tư.

 

Về vốn đăng ký của các dự án FDI mới trong 6 tháng đầu năm nay, trừ một số dự án dịch vụ tài chính, bảo hiểm, phân phối hàng hóa có thể được đưa vào vận hành trong năm 2012, các dự án sản xuất quy mô nhỏ và vừa sớm nhất cũng từ giữa và cuối năm 2013 mới hoàn thành xây dựng nhà máy và đưa vào kinh doanh. Rất nhiều dự án cần thời gian dài hơn thế. Vì vậy, việc so sánh vốn đăng ký mới với vốn thực hiện trong cùng thời kỳ không nằm trên một mặt bằng, bởi vốn thực hiện của 6 tháng đầu năm nay là từ các dự án FDI đã được cấp phép của 2-3 năm trước, do đó chỉ cho chúng ta biết khoảng lệch giữa vốn đăng ký với vốn thực hiện trong từng thời kỳ mà thôi.

 

Năm 2008, vốn đăng ký là 73 tỷ USD, vốn thực hiện là 12 tỷ USD, khoảng lệch là 61 tỷ USD. Hai năm tiếp theo (2009 và 2010), khoảng lệch mỗi năm là 11 tỷ USD. Sáu tháng đầu 2011, khoảng lệch đó đã thu hẹp, chỉ còn 1,36 tỷ USD. Năm 2008 giữ kỷ lục về vốn đăng ký FDI, nên coi là đột biến nhất thời, bởi một số dự án bất động sản, sắt thép với vốn đầu tư nhiều tỷ USD không được triển khai, đã bị rút giấy phép.

 

Tình trạng sụt giảm vốn đăng ký 6 tháng đầu năm là tín hiệu tiêu cực đối với FDI nếu quan sát diễn biến trong 4 năm gần đây. Chưa thể khẳng định tín hiệu này có trở thành xu hướng tiêu cực hay không, vì như trên đã viết, đầu tư là hoạt động dài hạn, do vậy phải chờ đến hết năm nay và có thể cả năm sau, ngoài ra phải gắn với FDI toàn cầu và tình hình kinh tế trong nước thì mới có căn cứ để đưa ra nhận định đúng đắn.

 

Cơ cấu vốn đăng ký khá ấn tượng về ngành kinh tế, khu vực chế tạo, trong đó có một số dự án công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D) như dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử có vốn đầu tư 302 triệu USD của Nokia, Công ty Samsung sẽ tăng vốn đầu tư lên 670 triệu USD vào năm 2015 và lên 1,5 tỷ USD vào năm 2020; các dự án hạ tầng kỹ thuật, xử lý rác thải thu hút được lượng vốn đăng ký khá lớn.

 

Vốn thực hiện của 6 tháng là 5,3 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2010, cần được coi là kết quả đáng khích lệ. Trong khi đầu tư trong nước gặp nhiều khó khăn, không ít dự án phải tạm dừng hoạt động do thiếu vốn hoặc kéo dài thời gian thi công, thì FDI là điểm sáng trong hoạt động đầu tư xã hội. Cùng với kim ngạch xuất khẩu đạt 42,33 tỷ USD (trong đó các doanh nghiệp FDI chiếm 54%), với tốc độ tăng cao nhất trong những năm gần đây, khu vực FDI đã trở thành động lực kinh tế trong thời kỳ lạm phát cao và sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta.

 

Mặc dù vậy, việc đánh giá tình hình FDI 6 tháng đầu năm cần tiếp cận theo hướng gắn với Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 2011- 2020 nhằm mục tiêu phát triển kinh tế với tốc độ cao, hiệu quả cao và bền vững, để năm 2020, nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, đồng thời từng bước hình thành nền kinh tế tri thức. Với cách tiếp cận đó thì FDI chưa có biến chuyển rõ ràng theo hướng coi trọng hơn công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao để tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn, xây dựng nền kinh tế các – bon thấp.

 

 

Sáu tháng đầu năm, cả nước có 456 dự án FDI mới và 132 dự án FDI tăng vốn, với tổng vốn đăng ký 7,93 tỷ USD. Trong đó:

Công nghiệp chế tạo: 3,33 tỷ USD, chiếm 42%;

Sản xuất phân phối điện, khí, nước: 2,53 tỷ USD, chiếm 31,9%;

Xây dựng: 474,82 triệu USD, chiếm 5,97%;

Dịch vụ lưu trú và ăn uống: 358,88 triệu USD, chiếm 4,52%;

Cấp nước và xử lý chất thải: 322,71 triệu USD, chiếm 4,06%;

Kinh doanh bất động sản: 305,26, chiếm 3,84%…

 Hoạt động xây dựng các nhà máy nhiệt điện đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế nhờ giá điện thương phẩm nước ta đang tăng theo lộ trình, môi trường đầu tư được cải thiện. Mặc dù vậy, FDI vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch còn quá ít và triển khai khá chậm, trong khi Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời…

 

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là định hướng quan trọng của thu hút FDI, Nhà nước đã ban hành quy định tạm thời về hình thức hợp tác công – tư (PPP), nhưng vẫn chưa nhận được sự phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài.

 

FDI trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là dự án vừa và nhỏ, chưa thu hút được nhiều công ty đa quốc gia với những dự án lớn trong ngành công nghệ cao và dịch vụ hiện đại. Ngoại trừ trường hợp Nhật Bản, với Hiệp định Đối tác toàn diện giữa hai nước có hiệu lực từ đầu năm 2010, lẽ ra FDI từ Nhật có cơ hội tăng lên nhiều, nhưng động đất, sóng thần và tai họa hạt nhân đã gây tổn hại đối với nhiều tập đoàn lớn của nước này, nên trong ngắn hạn, khó có thể hy vọng tăng thêm FDI của Nhật Bản vào Việt Nam.

 

Vấn đề đáng quan tâm nữa là, FDI của Mỹ và châu Âu vẫn không có chuyển biến đáng kể, mặc dù quan hệ chính trị, kinh tế giữa Việt Nam với hai đối tác này đã được cải thiện. Trong 6 tháng vừa qua, Mỹ chỉ có 13 dự án mới quy mô nhỏ, vốn đăng ký 19,39 triệu USD, Anh có 7 dự án, với 329,75 triệu USD, Đức có 5 dự án, với 34,52 triệu USD.

 

FDI của Mỹ và châu Âu chưa chuyển biến đáng kể có nguyên nhân từ nội tình các nước đó. Với Mỹ, đó là đà tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Theo nhận định gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kinh tế nước này giảm 0,2% so với dự báo trong tháng 4. Với các nước lớn trong EU, đó là tình trạng nợ công vượt trần tại Hy Lạp và có thể sẽ xảy ra với một số nước khác. Điều này buộc chính phủ các nước EU phải hợp lực với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tìm giải pháp ứng phó, kể cả việc các ngân hàng lớn phải dành những khoản tín dụng ưu đãi trong nội bộ EU cho mục tiêu trên.

 

Ngoài những nguyên nhân tác động tới FDI như trên, cũng có nguyên nhân chủ quan từ tình hình kinh tế- xã hội và thể chế của Việt Nam.

 

Không thể chỉ trong vòng 6 tháng có thể thay đổi định hướng và chính sách thu hút FDI, nhưng từ kinh nghiệm của Việt Nam trong 10 năm đầu thế kỷ XXI và thực trạng FDI nửa đầu năm nay, cũng như những vấn đề đặt ra cho giai đoạn mới của đất nước, cần đề ra định hướng và chính sách nâng cấp FDI có chất lượng, có hiệu quả hơn.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status