UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức hội thảo tìm giải pháp phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội, với mục tiêu thu hút vốn đăng ký khoảng 40.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho 10.000 lao động.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Nhơn Hội, từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, trải thảm đỏ kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khu kinh tế này. Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư thời gian qua vấn không như kỳ vọng.
Theo báo cáo đánh giá tình hình đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội sau 5 năm thành lập (2005 – 2010) của UBND tỉnh Bình Định, tổng diện tích Khu kinh tế Nhơn Hội được quy hoạch là 12.000 ha. Trong đó, khu phi thuế quan 520 ha; khu thuế quan bao gồm các khu công nghiệp A, B, C với tổng diện tích 1.324 ha; khu công nghiệp sạch phía Nam 75 ha, khu phong điện 283 ha; các khu đô thị, du lịch và khu vực trồng cây xanh 3.480 ha.
Thời gian qua, có hơn 100 nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Đến nay, 33 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 33.544 tỷ đồng, trong đó, 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 495,72 triệu USD. Tổng nguồn vốn thực hiện đến hết năm 2010 là 1.554 tỷ đồng. Nhiều dự án đã hoàn thành từng phần và đi vào hoạt động.
Đáng chú ý là, hiện nay UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho một số tập đoàn kinh tế tiếp xúc đầu tư các dự án lớn. Cụ thể, nhà máy lọc hóa dầu giai đoạn I, với quy mô 4 triệu tấn/năm; dự án nhà máy nhiệt điện 700 MW, do Công ty TNHH Rayong, Công ty STFE, Thai Oil – Thái Lan hợp tác với Công ty TNHH Khang Thông; 2 dự án đầu tư du lịch Tân Thanh.
Theo Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết XVIII của Đảng bộ tỉnh Bình Định về phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh này tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển bền vững, với 7 mục tiêu cơ bản. Tại hội thảo nêu trên, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế và doanh nghiệp đã đi sâu vào phân tích nguyên nhân của tình trạng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Man ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho rằng, một trong những vấn đề gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội là nạn cát bay. Các ngành chức năng của tỉnh đang tìm giải pháp để xử lý hiện trạng này, như thuê tư vấn nghiên cứu và thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổ chức trồng cây tạo thảm thực vật trên các mặt bằng và xem xét giải pháp phủ keo hoặc phủ đất trên đồi cát, san thấp các đồi cát.
Theo PGS.TS Võ Đại Lược, Chủ nhiệm Viện Kinh tế và Chính trị Quốc tế, Khu kinh tế Nhơn Hội gần sân bay Phù Cát nhưng đây không phải là cảng hàng không lớn, nằm ngay cảng biển nhưng cảng này cũng không phải cảng lớn; hệ thống giao thông nối liền quốc lộ cũng chưa thực sự thuận lợi. “Đáng chú ý là, UBND tỉnh Bình Đình quá ưu đãi ở lĩnh vực đất đai trong Khu kinh tế Nhơn Hội. Nếu các doanh nghiệp cứ lấy việc ưu đãi đất làm chiến lược phát triển đơn vị, thì chính địa phương đó sẽ không có nhiều nhà máy hoạt động sản xuất”, ông Lược cho biết.
Bàn về những vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, ông Trần Du Lịch, chuyên gia tư vấn kinh tế cho rằng, phải chấm dứt khai thác titan để chú tâm đầu tư phát triển Khu kinh tế. Trong 12 giải pháp đẩy mạnh các lĩnh vực, phát triển kinh tế Bình Định, địa phương phải liên kết với các tỉnh phát triển hệ thống giao thông liên vùng nhằm thúc đẩy nhịp tăng trưởng kinh tế, bằng mọi hình thức huy động nguồn vốn để có được hệ thống giao thông hoàn chỉnh.