Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG giữa kỳ), tổ chức trong 2 ngày 8-9/6/2011, tại Hà Tĩnh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư CAO VIẾT SINH cho biết, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc thu hút và sử dụng vốn ODA để phù hợp với tình hình mới.
Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình, vì vậy từ nay trở đi, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ có những thay đổi về quy mô, cơ cấu và các điều kiện cho vay. Chính phủ Việt Nam có đặt ra vấn đề thay đổi định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA cho phù hợp với tình hình mới?
Từ năm 1993 đến nay, các nhà tài trợ đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 56,4 tỷ USD. Những năm qua, mức tài trợ ngày càng tăng, từ mức chỉ có 1,8 tỷ USD cam kết trong năm 1993, đã nâng lên trên 8 tỷ USD trong năm 2009 và 7,9 tỷ USD trong năm 2010. Nhưng khi Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình, thì hình thức viện trợ sẽ thay đổi. Trước đây, tỷ lệ viện trợ không hoàn lại cao, nhưng giờ, tỷ lệ cho vay sẽ tăng. Nội dung viện trợ thay đổi, cấu trúc nguồn vốn ODA cũng thay đổi. Ngay trong nguồn vốn vay, cơ cấu vay cũng khác, phần vốn kém ưu đãi (OCR, IBRD) sẽ tăng lên nhiều hơn.
Chính phủ Việt Nam nhận thức rất sâu sắc về vấn đề đó và chúng tôi đang hoàn tất Đề án thu hút và sử dụng vốn ODA cho 5 năm tới để phù hợp với tình hình mới.
Mục tiêu thu hút và sử dụng vốn ODA trong 5 năm tới sẽ được xây dựng theo hướng nào, thưa Thứ trưởng?
Nhu cầu vốn đầu tư của Việt Nam trong 5 năm tới là khá lớn, lên tới khoảng 290-300 tỷ USD. Cùng với vốn ngân sách nhà nước, vốn huy động từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, chúng tôi vẫn mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà tài trợ cho phát triển kinh tế – xã hội.
Chúng tôi đã xác định 3 đột phá trong thời gian tới là phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong ba lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là những lĩnh vực ưu tiên.
Trong Đề án thu hút và sử dụng vốn ODA thời gian tới, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, chúng tôi cũng quan tâm tới việc mở rộng phạm vi thu hút, không chỉ gồm ODA theo nghĩa truyền thống, mà cả nguồn vốn kém ưu đãi hơn của các nhà tài trợ; vừa bảo đảm “cung – cầu” hợp lý về ODA của các nhà tài trợ, cũng như nhu cầu của phía Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi đưa ra những nguyên tắc hợp lý về phân bổ các nguồn vốn một cách hiệu quả dựa trên lợi thế phân công lao động và sự bổ trợ dựa trên lợi thế so sánh giữa các nguồn vốn ODA.
Một trong những vấn đề lớn ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án ODA là sự chậm trễ trong triển khai dự án. Chính phủ và các nhà tài trợ sẽ khắc phục nhược điểm này như thế nào?
Đúng là hiện nay, tiến độ thực hiện của nhiều dự án ODA vẫn còn rất chậm. Đây là một khó khăn cần phải khắc phục nhanh chóng. Do bị trì hoãn quá lâu, trong khi chi phí liên tục tăng cao, nên tổng mức đầu tư tại một số dự án ODA đã tăng lên so với dự toán ban đầu khá lớn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là sự chậm trễ trong khâu chuẩn bị và phê duyệt dự án. Quá trình phê duyệt và thành lập các ban quản lý dự án, hoàn thành các thủ tục giữa hai bên mất khá nhiều thời gian, có khi kéo dài 2-4 năm. Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan đến năng lực ban quản lý dự án, cũng như cách tiếp cận theo chương trình. Đây là vấn đề mới mà năng lực quản lý chưa theo kịp.
Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, cần có sự nỗ lực từ hai phía, cả cơ quan Nhà nước Việt Nam và các nhà tài trợ. Việc hài hòa các thủ tục và lợi ích của cả hai bên là rất quan trọng. Là cơ quan điều phối nguồn vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan, các nhà tài trợ, trong những năm qua, đã liên tục tổ chức các cuộc họp để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Các hoạt động này, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và đẩy mạnh hơn nữa, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA.
Hội nghị giữa kỳ năm nay được tổ chức ở miền Trung, một trong những khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nhất cả nước. Đây liệu có phải là cơ hội để thu hút thêm nguồn vốn ODA vào khu vực này, thưa Thứ trưởng?
Thực tế, trong những năm qua, nguồn vốn ODA đã hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị. Phần lớn nguồn vốn đó tập trung vào xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhờ có sự hỗ trợ của nguồn vốn ODA, một số tỉnh như Hà Tĩnh và Nghệ An đã có những bước phát triển đột phá về kinh tế, cơ sở hạ tầng và thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn lớn trên thế giới như Formosa (Đài Loan) và Kobecol Steel (Nhật Bản) đã đầu tư vào đây, trong khi đó Tập đoàn Tata (Ấn Độ) cũng có những bước chuẩn bị cho một dự án lớn tại khu vực.
Tôi cũng đồng ý rằng, việc tổ chức Hội nghị CG giữa kỳ tại Hà Tĩnh lần này là một cơ hội để giúp các nhà tài trợ hiểu hơn về khu vực Bắc Trung Bộ, một trong những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, nhưng lại phải đối phó với biến đổi khí hậu, thiên tai triền miên, từ đó có thể có thêm những hỗ trợ quý giá cho các địa phương này.