Tin tức

Chưa đồng bộ trong chính sách ưu đãi

Hiện có khá nhiều quy định về ưu đãi đầu tư, đất đai và xuất nhập khẩu chưa hợp lý, đang gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, hầu hết đại diện các ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều cho rằng, có sự thiếu đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư giữa Luật Đầu tư và Nghị định 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Chẳng hạn, theo Luật Đầu tư năm 2005, việc ưu đãi cho nhà đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư (kể cả dự án đầu tư mở rộng) vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục ưu đãi và thực hiện đầu tư tại địa bàn khu công nghiệp, nhưng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 lại chỉ tính ưu đãi đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

 

“Hiện có nhiều nhà đầu tư khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai muốn mở rộng diện tích do giai đoạn 1 đã lấp đầy. Để thu hút nhà đầu tư, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho các dự án mới thành lập và dự án mở rộng, đồng thời tiếp tục bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào khu công nghiệp đã được thành lập theo Nghị định 124”, ông Võ Thanh Lập, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) kiến nghị và cho biết, DIZA cũng đang gặp vướng mắc khi cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thương mại dịch vụ.

 

Nguyên nhân là, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại thời điểm trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007, đối với trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, sau đó có thêm nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, thì không được tiếp tục thực hiện các mục tiêu hoạt động thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, Quyết định 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam lại cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần, vốn góp trong các doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, nay có thêm nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, thì doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa hay không và thực hiện như thế nào.

 

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp Long An (LAIZA) cho biết, hiện Ban mới được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN. Trong khi đó, hoạt động thương mại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng nhiều và các doanh nghiệp khác có kế hoạch thương mại với doanh nghiệp của các nước này cũng gia tăng và đều cùng có điều kiện để hưởng các ưu đãi theo các hiệp định mà ASEAN và Việt Nam đã ký với các nước này.

 

“Đề nghị Bộ Công thương ủy quyền cho các ban quản lý khu công nghiệp được giải quyết cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AJ, E và AK để doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp được hưởng ưu đãi theo các hiệp định đối tác thương mại với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc”, ông Phi kiến nghị.

 

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Lâm Trúc Nhỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú An Thạnh (Bến Lức, Long An) cho rằng, Nghị định 69/2009/NĐ-CP về bồi thường giải phóng mặt bằng được ban hành đã giải quyết khá nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng cũng có những quy định cần được điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.

 

“Nghị định quy định doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp được UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất được quyền chuyển nhượng và không phải nộp tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung và được miễn giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp. Tuy nhiên, theo Thông tư 117/2004/TT-BTC ngày 7/12/2004 của Bộ Tài chính, thì sau khi chuyển nhượng, doanh nghiệp phải nộp đủ tiền sử dụng đất đã được miễn, hoặc giảm vào ngân sách nhà nước theo giá đất tại thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy, doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi, mà còn bị thiệt”, ông Lâm Trúc Nhỏ phân tích.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status