Tin tức

Việt Nam cần chủ động hơn trong thu hút đầu tư dài hạn

Nhân dịp sang Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44, bà CHRISTINE LAGARDE, Bộ trưởng Kinh tế- Tài chính và Công nghiệp Pháp đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư về kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Việc tổ chức một loạt hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 tại Việt Nam được xem là cơ hội để Việt Nam nhận diện đầy đủ hơn cơ hội và thách thức, thúc đẩy phát triển bền vững. Qua các thông tin tại Hội nghị lần này, bà đánh giá thế nào về các biện pháp mà Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện nhằm phát triển bền vững?

 

Không có sự phát triển kinh tế – xã hội dài hạn nào không đi đôi với ổn định vĩ mô và tăng trưởng toàn diện. Các biện pháp kiềm chế lạm phát được Chính phủ Việt Nam thực hiện mới đây là một bước đi quan trọng. Bên cạnh đó, sự minh bạch và quản lý nhà nước có hiệu quả là những nhân tố then chốt giúp thu hút đầu tư lâu dài. Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng đã chỉ rõ một vài trở ngại lớn mà Việt Nam sẽ phải vượt qua trong những năm tới, như thiết lập một môi trường cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo và nhu cầu giải quyết sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng.

 

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi đạt được một mức độ phát triển nhất định, Việt Nam sẽ phải dựa vào các giải pháp tài chính mới và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn ODA. Chúng tôi có thể chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm về các giải pháp huy động vốn mới trong bối cảnh Việt Nam, như hình thức hợp tác công – tư (PPP).

 

Theo bà, tới đây, Việt Nam cần có thêm chính sách gì để tăng cường thu hút đầu tư bên ngoài?

 

Trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam cần chủ động hơn nữa để tiếp tục thu hút đầu tư dài hạn và củng cố vị trí của mình trong khu vực Đông Nam Á, cũng như trên trường quốc tế. Theo đó, các cơ quan chức năng cần giữ vững quan điểm duy trì môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh cao. Những chính sách thu hút đầu tư cần tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên như vận tải, năng lượng, phát triển đô thị, công nghệ cao, công nghệ xanh, đào tạo… Các nhà đầu tư Pháp thường tìm kiếm cơ hội đầu tư ở một môi trường vĩ mô ổn định, được điều chỉnh bởi cơ chế quản lý nhà nước có hiệu quả và hệ thống hành chính minh bạch.

 

Thưa bà, cộng đồng doanh nghiệp Pháp nhận xét ra sao về môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam?

 

Cộng đồng doanh nghiệp Pháp rất vui mừng khi Chính phủ Việt Nam thấy được các trở ngại hiện tại và cam kết thiết lập môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Ở tầm quốc gia, Pháp không chỉ ủng hộ, mà còn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam thực hiện mục tiêu đó.

 

Còn tương lai mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, tài chính và công nghiệp thì sao, thưa bà?

 

Năm 2010, trao đổi thương mại song phương đã tăng 20% và Pháp luôn là nhà tài trợ châu Âu hàng đầu tại Việt Nam. Rất nhiều sự kiện được tổ chức tại Việt Nam đã khẳng định mong muốn của nước Pháp là trở thành đối tác bền vững của Việt Nam.

 

Tôi tin rằng, trong những năm tới, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. Pháp mong muốn giúp đỡ Việt Nam giải quyết những thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status