Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh châu Âu chưa chính thức khởi động, nhưng dự báo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ thuận lợi hơn.
Những dự báo trên không chỉ đến từ sự kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, mà còn từ phía đối tác nước ngoài, trong đó có cả đối tác tại Liên minh châu Âu (EU).
Ông Massimiliano Guelfo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Italy tại Việt Nam (ICham), khi phát biểu tại Hội thảo FTA Việt Nam – EU – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, tổ chức ngày hôm qua (7/4) tại Hà Nội, đã bày tỏ quan điểm rằng, FTA Việt Nam – EU được ký kết sẽ giúp tăng đầu tư từ EU sang Việt Nam.
“Các doanh nghiệp EU sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam để nhắm tới thị trường ASEAN và các nước xung quanh, như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ”, ông Guelfo nói.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến đầu tháng 3/2011, EU có 1.079 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 16 tỷ USD tại Việt Nam. Con số này, theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, là không tương xứng với năng lực công nghệ, tài chính và sức mạnh của các doanh nghiệp EU.
“Điều này là do các doanh nghiệp EU chủ yếu đầu tư nội khối, nhất là sau khi EU mở rộng với nhiều nước thành viên có trình độ phát triển thấp hơn. Hoạt động đầu tư này mang lại lợi ích cho họ nhiều hơn”, ông Tuyển phân tích. Mặc dù vậy, theo ông Tuyển, thời gian tới, khi FTA giữa hai bên được ký kết, đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ tăng lên.
Điều đáng nói là, không chỉ tăng thu hút FDI một cách đơn thuần, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), khi làm ăn với EU, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp thu công nghệ cao, công nghệ nguồn, vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp EU.
Tất nhiên, trong FTA, nguyên tắc bất di bất dịch là đôi bên cùng có lợi. Việt Nam có thể tăng cường thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu khi mức thuế quan được hạ thấp đáng kể. Ở chiều ngược lại, EU cũng có thể tăng xuất khẩu vào Việt Nam và điều đó có thể cũng sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam mất thị trường, phải cạnh tranh khốc liệt hơn.
Tuy vậy, theo ông Guelfo, Việt Nam không phải quá lo lắng về điều này. “Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu giá rẻ đối với công nghệ và nguyên liệu chất lượng cao từ EU. Các doanh nghiệp EU cũng sẽ xuất khẩu các dịch vụ chất lượng cao sang Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam nhờ vậy có thể có khả năng cạnh tranh hơn trong dài hạn”, ông Guelfo nói.
Được khá nhiều, nhưng cũng có thể sẽ mất, mà sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ là một ví dụ điển hình. Thậm chí, trên khía cạnh doanh nghiệp, ông Trần Bình Phiên, Phó tổng giám đốc Ford Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cũng không khỏi lo lắng khi thị trường ô tô rộng cửa trong thời gian tới, khi hàng loạt FTA có hiệu lực. Theo ông Phiên, sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt của xe nhập khẩu từ các nước ASEAN, đặc biệt là từ năm 2015 và do vậy, doanh nghiệp ô tô Việt Nam phải tính đến việc cạnh tranh cả về giá và chi phí.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, tất cả những cái được và mất từ FTA giữa Việt Nam và EU mới chỉ là những tính toán về mặt lý thuyết.
Theo GS -TSKH Nguyễn Mại, mặc dù việc hình thành FTA Việt Nam – EU sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam, song cần chọn lựa thời gian thích hợp để khởi động đàm phán, bởi hiện nay, chúng ta cũng đang đàm phán cả Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Phải làm sao để đảm bảo chúng ta có đủ thời gian và điều kiện nghiên cứu giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình hình thành FTA Việt Nam – EU, bảo đảm lợi ích của Việt Nam trong việc tham gia các FTA song phương”, GS -TSKH Nguyễn Mại nói.