Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có một hòn đảo nhỏ còn hoang sơ, dân địa phương gọi là cù lao Câu, còn du khách đặt tên đảo là “vương quốc đá”. Đảo cách bờ gần nhất ở xã Phước Thể khoảng 10km, cách TP Phan Thiết chừng 110km về phía bắc.
Lên tàu tại làng chài xã Phước Thể, sau khoảng 45 phút ngắm cảnh biển trời mênh mông du khách sẽ đặt chân lên cù lao Câu, nơi hoàn toàn không có resort, spa cao cấp và những nhà hàng sang trọng mà chỉ có sự mộc mạc, hiếu khách của người dân đảo cùng nắng, gió, đá và những bãi biển tuyệt đẹp. Hầu hết du khách tìm đến cù lao Câu đều yêu thích thiên nhiên hoang dã nên họ chẳng ngại phải ngủ qua đêm tại nhà dân hoặc dựng lều ngoài biển hay tá túc tại đồn biên phòng (các anh bộ đội biên phòng vui tính sẵn sàng bố trí chỗ nghỉ ngơi cho bạn tại khu nhà tập thể). Bạn có tin không: trên cù lao Câu ngoài đồn biên phòng chỉ có hai hộ dân, đã thế vào mùa mưa bão những cư dân ít ỏi này cũng vào đất liền, qua mùa mưa bão mới ra đảo sinh sống. Chỉ vào ngày rằm tháng 4 âm lịch hằng năm, tàu thuyền của ngư dân lại nhộn nhịp đổ về, tập trung tại miếu thờ cá ông trên đảo để tế lễ cầu mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá bội thu.
Trước khi đặt chân lên đảo, tàu sẽ đưa du khách chạy quanh đảo ngắm những vườn đá trắng dọc quanh bãi biển. Muôn vàn những khối đá lớn nhỏ với vô số hình thù lạ mắt ở khắp đảo khiến người ta liên tưởng đã có bàn tay của bà mẹ thiên nhiên rải một trận mưa đá sỏi khổng lồ xuống ban tặng cho nơi này. Đó là lý do vì sao những du khách đầu tiên đến với cù lao Câu đã đặt “nickname” cho hòn đảo nhỏ này là “vương quốc đá”. Trước khi lao mình xuống biển, bạn cần chuẩn bị ống thở và kính lặn để ngắm san hô và các loài cá đầy màu sắc bơi lội tung tăng ở các rạn san hô trước mắt mình.
Bơi lặn, đi dạo trên đảo cho đến khi chiều xuống cũng là lúc du khách ngồi lại bên nhau thưởng thức hải sản tươi sống: cá sọc dưa, sò điệp, mực nang, cá bống mú… Đặc biệt, du khách có thể được nếm hai món ngon là tôm đỏ và cá chình kho tộ. Tôm đỏ nhìn giống tôm hùm nhưng nhỏ hơn, vỏ màu đỏ sậm, râu dài, nướng mọi chấm muối tiêu chanh thật tuyệt hảo. Còn cá chình nhiều xương nhưng vị rất ngọt, kho với nước mắm đường nêm nhiều tiêu, ớt xanh, ăn với cơm nguội (thật ra đây là cơm mới nấu nhưng do trên đảo bốn bề lộng gió ngày đêm nên cơm vừa đơm ra chén đã nguội), ôi thôi… “bá chấy”!
Sau bữa tối cũng là lúc du khách ngồi bên ánh lửa bập bùng lắng nghe tiếng sóng biển và giao lưu với các chiến sĩ đồn biên phòng. Càng về khuya trời càng lạnh, lửa gần tàn không đủ ấm để mọi người xích lại gần nhau hơn. Lời ca tiếng hát quyện với tiếng đàn guitar réo rắt khiến thời gian như dừng lại…
Đón chào bình minh trên đảo là một trải nghiệm khó quên, nhất là với những du khách muốn có những bức ảnh đẹp của hừng đông trên biển. Dù muốn níu kéo thời gian để tận hưởng những thời khắc tuyệt vời trên đảo nhưng cũng đến lúc chia tay vì buổi sáng là thời điểm thích hợp nhất để rời đảo khi biển lặng và hiền hòa. Chia tay cù lao Câu với lời ước hẹn sẽ trở lại, tìm sự bình yên tâm hồn ở “vương quốc đá”.