Bắt đầu có những dự báo về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cho là “thế hệ mới” tới Việt Nam với trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học – kỹ thuật…
Tập đoàn HP vừa được trao giấy phép xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) giải pháp phần mềm toàn cầu tại TP.HCM. Tập đoàn First Solar (Mỹ) vừa khởi công nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời tại KCN Đông Nam (TP.HCM). Nhiều nhà đầu tư cũng đang bắn tin về khả năng chuyển các trung tâm R&D về Việt Nam…
Bắt đầu có những dự báo về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cho là “thế hệ mới” tới Việt Nam với trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học – kỹ thuật… Chỉ có điều, sự dịch chuyển này sẽ khó tạo thành dòng chảy, nếu những điều kiện cần và đủ cho sự thành công lâu dài của kế hoạch mới tại Việt Nam chưa sẵn sàng.
Trong khảo sát lần đầu tiên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về doanh nghiệp FDI vừa được công bố trong tháng 3/2011, những yếu tố được cho là thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật… tại Việt Nam là chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất thiên về các yếu tố chi phí, như chi phí lao động, ưu đãi thuế, đất đai, chi phí nguồn nguyên liệu trung gian, thủ tục hành chính… Mặc dù các nhà đầu tư tài chính không chỉ rõ yếu tố tích cực thúc đẩy họ đầu tư vào Việt Nam, nhưng chi phí rẻ không được lựa chọn nhiều.
“Độ vênh” trong đánh giá về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư từ phía các nhóm nhà đầu tư trong những lĩnh vực khác nhau cũng khá lớn. Nếu so với các ấn phẩm về xúc tiến đầu tư nước ngoài của nhiều địa phương, với những yếu tố cấu thành chi phí đầu tư rẻ vẫn được xếp hàng đầu trong những lợi thế tự xác định để mời gọi đầu tư, “độ vênh” giữa sự sẵn sàng của địa điểm đầu tư và mong đợi từ phía nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao mà Việt Nam đang đón đợi không hề nhỏ.
Về tổng thể, đa phần các doanh nghiệp FDI hiện hữu tại Việt Nam có quy mô nhỏ, tập trung vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, có tỷ suất lợi nhuận thấp, chủ yếu làm thầu phụ cho các công ty đa quốc gia lớn hơn. Điều này cũng có nghĩa là sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI Việt Nam trong chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu hiện đang ở những nấc thấp nhất.
Trong các kế hoạch, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, mục tiêu được khẳng định là nhắm vào các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, những ngành có lợi nhuận cao, trong đó chất lượng lao động, hàng hoá trung gian và cơ sở hạ tầng có vài trò quan trọng hơn chi phí sản xuất. Không thể khác, những điều chỉnh lớn trong môi trường kinh doanh của Việt Nam bắt buộc phải được thực hiện song hành, thậm chí là đón đầu những mong muốn của giới đầu tư.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch này không hề dễ dàng, nếu như không nói là rất khó khăn, bởi đó là những thay đổi căn bản về chất trong không chỉ hoạt động thu hút đầu tư, mà còn trong các kế hoạch đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh…
Hơn thế, trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, thành công sẽ thuộc về những nơi có tốc độ chuyển dịch nhanh.