(VOV) – Với thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Saudi Arabia đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, mong muốn Saudi Arabia giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), Saudi Arabia là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Trao đổi thương mại giữa hai nước thời gian qua đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt 744 triệu USD, tăng 64% so với năm 2009.
Năm 2010, Việt Nam nhập khẩu từ Saudi Arabia 600 triệu USD, trong đó chủ yếu là chất dẻo nguyên liệu (544 triệu USD), khí đốt hóa lỏng, hóa chất, sản phẩm hóa chất, phân bón, thức ăn gia súc…; Việt Nam xuất khẩu sang Saudi Arabia 144 triệu USD, hải sản, chè, hạt tiêu, cà phê, hạt điều, gạo, sản phẩm dệt may, sản phẩm gỗ…
Số liệu thống kê mới nhất trong hai tháng đầu năm 2011, trao đổi thương mại hai nước đạt 125 triệu USD.
Cũng giống như các nước Trung Đông khác, Saudi Arabia vốn là nước có tiềm lực tài chính rất lớn nhờ vào dầu mỏ, nhưng lại khan hiếm những tài nguyên thiên nhiên khác nên có nhu cầu rất lớn nhập khẩu những mặt hàng hàng tiêu dùng… Liệu đó có phải thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi các thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ hiện đã bão hòa đối với một số sản phẩm, thì Saudi Arabia đang trở thành một thị trường hứa hẹn.
Hàng năm, Saudi Arabia có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, giày dép, hải sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, máy tính và linh kiện điện tử…. Đặc biệt là các loại hàng nông sản, với hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, chè đường, cà phê, thịt, gia cầm… đều được miễn thuế.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ 23 – 25/3, Bộ trưởng Công thương Abdullah A. Alireza và Bộ trưởng Nông nghiệp Fahad A. Balganeem đã đặc biệt lưu ý đến vấn đề này và đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ Saudi Arabia đảm bảo an ninh lương thực.
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp Saudi Arabia chiều 24/3, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều khẳng định, sẵn sàng hợp tác với Saudi Arab trong lĩnh vực nông nghiệp và nhấn mạnh: Với thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Saudi Arabia đảm bảo an ninh lương thực.
Các vị lãnh đạo đề nghị, hai Bộ trưởng phối hợp với các bộ ngành Việt Nam tìm ra cơ chế, phương thức, mô hình thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, cũng như các lĩnh vực có tiềm năng như lao động, dầu mỏ… tiến tới xây dựng và ký kết các hiệp định hợp tác song phương liên quan đến bảo hộ đầu tư, kiểm dịch, thương mại tự do tạo điều kiện để hai nước trở thành đối tác hợp tác chiến lược lâu dài.
Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á để duy trì và phát triển thị trường Saudi Arabia, các nhà xuất khẩu của Việt nam phải hết sức lưu ý:
Saudi Arabia thi hành chính sách tự do thương mại, đối với các mặt hàng, phụ thuộc nhiều vào yếu tố giá cả cạnh tranh, chất lượng hàng vào và giao hàng có đúng hạn không, cho nên đây là thị trường có tính cạnh tranh rất cao. Saudi Arabia không áp dụng hạn chế về giá hoặc hạn ngạch đối với người nhập khẩu, ngoại trừ đối với mặt hàng đồ uống có cồn và sản phẩm thịt lợn bị cấm.
Các doanh nghiệp phải thường xuyên rà soát sản phẩm, làm mới bao bì, đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Saudi Arabia (có thể liên hệ với Tổ chức Tiêu chuẩn của Saudi Arabia để kiểm tra), thực hiện tốt các cam kết sau bán, tránh thay đổi giá đột ngột và nên chú ý trưng bày sản phẩm tại các trung tâm đô thị thương mại lớn của Saudi Arabia…
Mở rộng thị trường lao động
Bên cạnh trao đổi thương mại hàng hoá, Saudi Arabia còn là một thị trường vốn có tiềm năng rất lớn (gồm đầu tư, tài chính, ngân hàng…) và là một thị trường có nhu cầu cao về nhập khẩu lao động (có khoảng 7 triệu công nhân lao động người nước ngoài làm việc chủ yếu trong ngành dầu lửa, dịch vụ, xây dựng, giúp việc gia đình). Đây là những thế mạnh của Saudi Arabia mà Việt Nam có thể hợp tác sâu rộng như kêu gọi đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Trong các chuyến thăm Saudi Arabia của lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Bộ Công Thương hay chuyến thăm Việt Nam gần đây của Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Saudi Arabia, phía Saudi Arabia bày tỏ mong muốn tăng cường và thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực; sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực dầu khí (xây dựng nhà máy lọc dầu và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy), xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng dân dụng, bưu chính viễn thông, du lịch; sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn sang làm việc trong ngành xây dựng hoặc giúp việc gia đình hoặc ngành nghề khác.
Và cơ hội hợp tác
Trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí là một trong những ngành công nghiệp có tiềm năng lớn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Saudi Arabia là quốc gia có ngành công nghiệp dầu khí phát triển hàng đầu trên thế giới. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Saudi Arabia trong lĩnh vực dầu khí, vì lợi ích của cả hai bên. Nghị định thư về hợp tác dầu khí ký tháng 4/2010 là một cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí.
Tháng 2 vừa qua, Việt Nam đã cử đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) tại Riyadh, tham gia ký Hiến chương, góp phần vào mở rộng hợp tác đa phương và đặc biệt là mở rộng hợp tác song phương với Saudi Arabia, nước có vai trò quan trọng trong khuôn khổ OPEC và IEF, về lĩnh vực năng lượng.
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Công thương Saudi Arabia Abdullah A. Alireza khẳng định sẵn sàng xây dựng quan hệ chiến lược lâu dài với Việt Nam về năng lượng. Đồng thời khẳng định, với tiềm lực tài chính, tài nguyên dầu mỏ và khí đốt có trữ lượng lớn nhất thế giới, sẽ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng.
Saudi Arabia sẽ tích cực hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Petrolimex và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Aramco nhằm triển khai các Dự án về xây dựng nhà máy lọc dầu, nhà máy điện tại Việt Nam.
Hiện đã có một số dự án đầu tư của Saudi Arabia vào Việt Nam hoạt động có hiệu quả như sản xuất nhà thép tiền chế Zamil Steel và khu giải trí và khách sạn cao cấp Raffles Resort ở Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng.
Trong chuyến tháp tùng Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp sang thăm Việt Nam mới đây, các doanh nghiệp Saudi Arabia cho biết, rất quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam và muốn nhập khẩu hàng lương thực thực phẩm, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, nông sản, chè, hạt tiêu, thiết bị nội ngoại thất văn phòng và gia dụng, dệt may…. của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia đang tích cực khảo sát thị trường Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh và gặp gỡ trực tiếp đối tác thảo luận hợp tác làm ăn.
Để thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, Việt Nam và Saudi Arabia đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tạo môi trường pháp lý và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, liên doanh, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tổ chức ở mỗi nước./.