Tin tức

Gần 50 DN Đan Mạch tìm cơ hội hợp tác tại Việt Nam

Đại sứ quán Đan Mạch sẽ tổ chức chương trình cho gần 50 doanh nghiệp Đan Mạch đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong 3 lĩnh vực: dệt may, công nghệ nước và chăn nuôi.

Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen, 3 đoàn doanh nghiệp Đan Mạch sẽ đến Việt Nam từ ngày 28/3 đến 2/4, trong đó có 11 công ty trong ngành công nghiệp nước (cấp, thoát và xử lý nước), 20 công ty trong lĩnh vực dệt may và 15 công ty trongt lĩnh vực sản xuất heo giống. 

 

Theo lịch làm việc, các đoàn doanh nghiệp sẽ có những chuyến thăm và làm việc với các công ty, doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, cũng như tổ chức một loạt hội thảo giới thiệu về trình độ, công nghệ của doanh nghiệp Đan Mạch.

 

Đại sứ John Nielsen cho biết, lý do Đan Mạch chọn doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực trên vì đây đều là những thế mạnh của Đan Mạch cả về kiến thức và công nghệ. Chính vì vậy, Đan Mạch có nhiều kinh nghiệm mang tới Việt Nam. Đan Mạch là một trong những nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới, là nhà xuất khẩu thời trang đứng thứ 9 trong khối các nước Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ngoài ra, công nghệ nước của Đan Mạch đã được công nhận trên trường quốc tế. “Tôi hy vọng, chuyến thăm này sẽ kiến tạo những quan hệ đối tác kinh doanh giữa các công ty Đan Mạch và Việt Nam trong tương lai”, Đại sứ John Nielsen nhấn mạnh.

 

Cũng theo Đại sứ John Nielsen, với lịch sử 40 năm quan hệ ngoại giao, đây chính là thời điểm để Đan Mạch và Việt Nam bắt đầu một kỷ nguyên hợp tác mới, trong đó Đan Mạch mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước.

 

“Dân số của Đan Mạch hiện chỉ bằng số dân của thủ đô Hà Nội, nhưng đã có tới 125 doanh nghiệp Đan Mạch đang hiện diện, kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam”, điều đó cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Đan Mạch đối với Việt Nam, Đại sứ John Nielsen  khẳng định. Sắp tới, để kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (25/11/1971-25/112011), Thái tử Đan Mạch sẽ cùng đoàn công tác Chính phủ Đan Mạch sang thăm thăm Việt Nam, bàn thảo các biện pháp phối hợp thúc đẩy thương mại, đầu tư hai nước.

 

Trao đổi với Đầu tư, Đại sứ John Nielsen cho biết, trong ngành dệt may Đan Mạch đặc biệt có thế mạnh trong trình độ thiết kế, công nghệ mới và xây dựng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR). “Nếu doanh nghiêp hai nước kết hợp đầu tư, Đan Mạch sẽ giúp đưa doanh nghiệp dệt may Việt Nam lên một đẳng cấp hoàn toàn mới, vượt trội so với hiện nay”, Đại sứ John Nielsen khẳng định.

 

Cùng với đổi mới công nghệ và xây dựng hệ thống CSR, doanh nghiệp Đan Mạch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của người lao động. Qua đó, không chỉ góp phần tăng tính cạnh tranh còn tăng được giá thành sản phẩm cũng như giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Tương tự như dệt may, công nghiệp nước và sản xuất heo giống của Đan Mạch cũng đã được thế giới thừa nhận. Chỉ số lãng phí nước của Đan Mạch hiện chỉ có 4-6%, trong khi rất nhiều nước khác lên tới 40%; lượng tiêu thụ nước của người dân và doanh nghiệp Đan Mạch cũng giảm tới 30% trong khoảng 20 năm trở lại đây. Điều này không chỉ nhờ ý thức người dân, doanh nghiệp được nâng cao mà cốt yếu là do trình độ công nghệ, quản lý của Đan Mạch rất tốt.

 

Ngành sản xuất heo giống cũng đạt được thành tựu tương tự khi chất lượng thịt thành phẩm tốt, heo giống không bao giờ bị bệnh. Vì vậy, đây là hai lĩnh vực rất phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam mà Đan Mạch muốn đẩy mạnh đầu tư. Đại sứ John Nielsen bày tỏ hy vọng, sau chuyến giao lưu lần này, các doanh nghiệp hai nước sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác, góp phần thúc đẩy mối quan hệ thương mai, đầu tư giữa hai nước.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status