Tin tức

Đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản: Trông chờ vào hình thức PPP

Huy động vốn thực hiện Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đang là “bài toán” khó đối với lãnh đạo ngành nông nghiệp.

Đầu tháng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, với số vốn thực hiện ước khoảng 40.000 tỷ đồng. Đề án tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản, đầu tư các vùng nuôi công nghiệp với các sản phẩm chủ lực (cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, nhuyễn thể…), xây dựng 3 trung tâm kiểm định, nhập thêm công nghệ tiên tiến từ nước ngoài… Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10%, vốn vay tín dụng đầu tư là 10%, vốn vay thương mại là 50%, vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân là 30%.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bàn việc triển khai Đề án này. Giải pháp về vốn được đưa ra là làm theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) và huy động vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

Tuy nhiên, thu hút vốn FDI vào ngành thủy sản không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, lĩnh vực hạ tầng nuôi trồng thủy sản phục vụ cộng đồng là chính, thu lợi từ nuôi trồng không cao, tỷ lệ lợi nhuận bấp bênh, nên khó thu hút được vốn FDI và vẫn chủ yếu phải dựa vào vốn đầu tư của Nhà nước.

 

Thực tế, những năm qua, không chỉ vốn FDI vào thủy sản èo uột, mà vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào ngành này cũng rất ít ỏi. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2010, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho ngành thủy sản chỉ đạt 132,7 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Trong khi đó, vốn FDI đổ vào lĩnh vực này chiếm chưa tới 1% tổng vốn FDI của cả nước. Mười năm qua, rất nhiều dự án, chương trình phát triển thủy sản đã được đưa ra, song không thể triển khai do thiếu vốn.

 

Cũng chính vì khó thu hút đầu tư, nên dù ngành thủy sản hiện nay đạt kim ngạch xuất khẩu 4 – 5 tỷ USD/năm, song sự phát triển của ngành này thiếu bền vững, các cơ sở nuôi công nghiệp còn ít, trong khi yêu cầu chất lượng sản phẩm từ phía các nhà nhập khẩu ngày càng cao hơn.

 

Trước tình trạng đó, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cùng đầu tư vào hạ tầng kết hợp nuôi trồng thủy sản (đầu tư vùng nguyên liệu). Theo ông Thắng, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản chính là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ đầu tư vào hạ tầng thủy sản, thế nhưng, lâu nay, các doanh nghiệp này hoàn toàn “ăn sẵn”, chờ Nhà nước và người nuôi đầu tư, dù họ có tiềm lực lớn nhất về vốn.

 

“Để kêu gọi được các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tham gia đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đặc biệt. Lâu nay, Nhà nước mới có các chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, mà chưa có chính sách ưu đãi hợp lý cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản”, ông Nguyễn Việt Thắng nói.

 

Được biết, từ nay đến năm 2020, ngoài nhu cầu vốn phát triển nuôi trồng thủy sản là 40.000 tỷ đồng, ngành thủy sản còn cần khoảng 24.690 tỷ đồng đầu tư phát triển hệ thống chế biến.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông vừa có một buổi làm việc bàn về thúc đẩy xúc tiến kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực thủy sản. Hai bên thống nhất sẽ thành lập một tổ công tác về vấn đề này. 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status