Tin tức

Rốt ráo với dự án ODA

Trong hai tuần qua, Bộ Giao thông – Vận tải đã liên tiếp tổ chức nhiều đoàn công tác cấp thứ trưởng trực tiếp đến từng công trường để đôn đốc tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sử dụng vốn ODA đang triển khai trên phạm vi cả nước.

Cùng với việc rốt ráo tìm nguồn lo đủ vốn đối ứng; tích cực vận động, phối hợp với địa phương để sớm bàn giao đủ mặt bằng; siết chặt kỷ cương trong quản lý đầu tư; quyết tâm tạo một “cú hích” lớn cho các dự án ODA giao thông của lãnh đạo ngành giao thông, còn thể hiện ở việc “ra roi” mạnh mẽ đối với các nhà thầu trây lỳ bằng quân lệnh: thay thế, điều chuyển khối lượng thi công tại bất kỳ gói thầu nào bị trễ tiến độ mà không có chuyển biến trong vòng 20 ngày.

 

 Tất cả những động thái kể trên của lãnh đạo ngành giao thông là hướng tới mục tiêu: từ nay đến cuối năm 2011, hoàn thành và đưa vào khai thác 6 dự án ODA; khởi công 3 dự án ODA mới và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 19 dự án ODA khác.

 

Sẽ là không quá khi nói rằng, đẩy nhanh tiến độ 27 dự án ODA, với tổng số vốn lên tới 4 tỷ USD vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của ngành giao thông.

 

Ngoài việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án ODA còn đưa lại nhiều lợi ích cho chính ngành giao thông.

 

Do hầu hết các dự án ODA giao thông đều là các công trình quan trọng quy mô lớn, cấp bách, nên việc sớm đưa những công trình kể trên vào khai thác ngày nào, áp lực phải xoá đi những “điểm nghẽn” hạ tầng mà xã hội đang hối thúc ngành giao thông sẽ vơi bớt đi ngày đấy. Những cái tên như: Cảng Cái Mép – Thị Vải, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (dự án hoàn thành năm 2011); đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (dự án khởi công năm 2011)… đang được đặt rất nhiều kỳ vọng.

 

Đối với các chủ đầu tư, ngoài việc không làm phát sinh thêm chi phí do việc kéo dài tiến độ dự án, hoàn thành đúng cam kết, còn tạo thêm uy tín đối với các nhà tài trợ, để tiếp tục vận động thu hút thêm nhiều vốn mới.

 

Đối với các nhà thầu, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bị tiết giảm, các dự án ODA với ưu thế sẵn vốn, cơ chế giải ngân thông thoáng thực sự là một cứu cánh. Động lực đẩy nhanh tiến độ đối với các nhà thầu còn lớn hơn, bởi đây là giải pháp duy nhất để tối đa hoá lợi nhuận, nếu không cũng là để giảm thiểu thua lỗ trước nguy cơ giá cả hầu hết vật liệu, nhiêu liệu đầu vào đang tăng mạnh.

 

Quan trọng hơn, đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA giao thông còn góp phần giải phóng một nguồn ngoại tệ mạnh như: USD, Yên Nhật và euro… Đây thực sự là nguồn sinh lực quý cho các doanh nghiệp trong ngành, cũng như cho cả quốc tế.

 

Vẫn biết giữa quyết tâm và thực tế còn một khoảng cách lớn, nhưng trên nhiều công trình, sinh khí mới là điều có thể nhận thấy. Để thực hiện được tham vọng nói trên, ngành giao thông cần thêm sự chung tay của nhiều bộ, ngành và của xã hội. Đầu tiên là việc phải bố trí sớm hơn 4.000 tỷ đồng vốn đối ứng còn thiếu so với kế hoạch; dứt điểm bàn giao đủ mặt bằng cho các đơn vị thi công; rà soát thay thế những cơ chế, thủ tục hành chính rườm rà. Ngay cả đối với cộng đồng dân cư, nơi các dự án triển khai cũng cần vào cuộc tích cực trong việc thực hiện trách nhiệm giám sát cộng đồng để công trình không chỉ hoàn thành sớm, mà còn đảm bảo chất lượng thiết kế. Làm được những việc này là cách đóng góp hiệu quả nhất đối với lời hiệu triệu nâng cao chất lượng đầu tư công, giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Đảng và Chính phủ.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status