Tin tức

Giải ngân FDI lo thiếu điện

Sẽ tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sử dụng tiết kiệm năng lượng và tạo nguồn cung ngoại tệ.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những khó khăn trong thúc đẩy giải ngân FDI, đã rất băn khoăn về tình trạng thiếu điện trong năm 2011. Các thông tin mới nhất từ Cục Điều tiết điện lực cho thấy, khả năng sẽ phải cắt điện từ tháng 3/2011. “Nếu không đảm bảo đủ điện cho sản xuất, thì dù có chính sách ưu đãi thế nào, các nhà đầu tư cũng không thể thực hiện giải ngân các dự án đầu tư”, ông Hoàng nói.

 

Trong các cuộc làm việc với Cục Đầu tư nước ngoài gần đây, ông Hoàng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt bức xúc với tình trạng thiếu điện, cắt điện đột ngột trong năm 2010. “Đã có nhà đầu tư phản ứng khá gay gắt, thậm chí có thể dừng đầu tư nếu không xử lý được dứt điểm tình trạng cắt điện đột ngột”, ông Hoàng nói và nhắc tới một số nhà đầu tư Nhật Bản, dù xếp Việt Nam là nhóm 4 địa điểm đầu tư thuận lợi nhất, song vẫn kêu ca nhiều về tình trạng thiếu điện không được kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất – kinh doanh.

 

Cũng phải nhắc lại rằng, trong khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện vào cuối năm 2010, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy bất an vì thiếu điện khi kinh doanh tại Việt Nam.

 

Trong bối cảnh hiện tại, thúc đẩy giải ngân các dự án FDI đang được coi là một trong những giải pháp tăng thêm nguồn cung ngoại tệ, giảm bớt áp lực cho cán cân vãng lai của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lĩnh vực đang dẫn đầu về thu hút FDI là công nghiệp, chế biến, chế tạo với 7.418 dự án (trong tổng số hơn 12.448 dự án còn hiệu lực tính tới ngày 23/2/2011), có thể thấy, nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp FDI là rất lớn. Điều này cũng có nghĩa là, nếu thúc đẩy giải ngân mạnh các dự án này, đặc biệt là những siêu dự án trong lĩnh vực sản xuất thép, xi măng, khai khoáng… được cấp phép trong giai đoạn 2008-2009, tình trạng thiếu điện đối với không chỉ các dự án FDI, mà cả nền kinh tế sẽ tiếp tục căng thẳng. Vòng luẩn quẩn giữa thiếu điện và tốc độ giải ngân các dự án FDI càng trở nên phức tạp.

 

“Chúng tôi đang tiến hành lựa chọn, đẩy nhanh giải ngân các dự án ít tiêu hao năng lượng. Đây cũng là những dự án được ưu tiên trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư trong giai đoạn tới. Các dự án tiêu hao năng lượng sẽ phải điều chỉnh công nghệ, hoặc tiến độ theo lộ trình để không gây sức ép lên nguồn cung năng lượng của Việt Nam”, ông Hoàng nói và cho biết đã gửi thông điệp này tới các địa phương.

 

Bên cạnh đó, tăng tốc giải ngân các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất công nghiệp… sẽ kéo theo nhu cầu tăng cao về nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ đầu tư ban đầu cũng như sản xuất – kinh doanh. Minh chứng là sự gia tăng trong hoạt động nhập khẩu của khu vực FDI trong thời gian gần đây. Chỉ tính 2 tháng đầu năm 2011, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,93 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 41,9% kim ngạch nhập khẩu.

 

Mặc dù lượng xuất khẩu của khu vực FDI vẫn giữ đà tăng mạnh (nếu không tính dầu thô, khu vực FDI dự kiến xuất khẩu 6 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2011, chiếm 48,7% tổng xuất khẩu và tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2010), song nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng các doanh nghiệp tận dụng giá năng lượng thấp ở Việt Nam, nhập nguyên liệu về gia công thành phẩm để xuất khẩu. Trong những trường hợp này, càng đẩy nhanh giải ngân các dự án FDI, áp lực lên nguồn cung năng lượng và ngoại tệ của nền kinh tế Việt Nam càng lớn.

 

Chính vì vậy, ông Hoàng cho biết, mục tiêu thúc đẩy giải ngân FDI tới đây sẽ là các dự án tạo nên nguồn cung ngoại tệ. Các dự án thu hút nguồn ngoại tệ từ trong nước, như dự án trong lĩnh vực bất động sản sẽ không được khuyến khích giải ngân, cũng như thu hút trong giai đoạn hiện tại.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status