Tuy nhiên để đạt mức tăng trưởng đề ra, xuất khẩu nhuyễn thể cần vượt qua những rào cản kỹ thuật
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2010, xuất khẩu nhuyễn thể của nước ta đạt 125.000 tấn, trị giá 489 triệu USD, chiếm 9,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Trong đó xuất khẩu nhuyễn thể chưa chế biến đạt khoảng 100.000 tấn, trị giá khoảng 400 triệu USD, chiếm 82%, còn lại là xuất khẩu nhuyễn thể chế biến đạt 25.000 tấn, trị giá khoảng 89 triệu USD.
Có 442 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhuyễn thể đi 80 thị trường, tăng 7 thị trường so với năm 2009. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhuyễn thể của 10 doanh nghiệp đứng đầu chiếm 24,6% tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể của cả nước.
Những tháng cuối năm 2010, nhu cầu nhuyễn thể của các thị trường nhập khẩu nhuyễn thể Việt Nam tăng lên, đây có thể coi là tín hiệu sớm cho một năm xuất khẩu thuận lợi.
Tại thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu tại thị trường này cũng tăng lên đáng kể từ sau vụ tràn dầu tại vịnh Mexico. Bên cạnh đó, sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam cũng đang được mở rộng sang khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, để đảm bảo được mức tăng trưởng như hiện nay, ngành xuất khẩu nhuyễn thể Việt Nam còn phải vượt qua nhiều khó khăn. Hiện nay, ngoài những yêu cầu về việc áp dụng các tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000 vào quản lý chất lượng tại các nhà máy chế biến, thì thị trường EU còn yêu cầu phải đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC).
Bên cạnh đó, trước những rào cản kỹ thuật, những yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt và những tiêu chuẩn mới khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm… các doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện tốt việc chứng nhận xuất xứ nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.
Mặt khác, tình trạng thiếu nguyên liệu cũng là khó khăn lớn cho các nhà máy chế biến. Đặc biệt trong năm 2010, tình trạng nghêu chết hàng loạt tại các các tỉnh ĐBSCL đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam lao đao tìm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để hoàn thành các hợp đồng đã ký. Trong khi đó, nhập nguyên liệu để chế biến lại gặp khó bởi những yêu cầu và quy định kiểm dịch nghiêm ngặt.
Đặc biệt, yếu tố con giống vẫn là bài toán khó giải đối với ngành nhuyễn thể của Việt Nam. Năm 2010, sản lượng giống nhuyễn thể được sản xuất trong nước ước đạt 800 triệu con, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên vốn không ổn định về số lượng và chất lượng.
Vấn đề kiểm soát chất lượng con giống nhuyễn thể sản xuất trong nước nhập khẩu từ Trung Quốc của các cơ quan chức năng gần như thả nổi nên việc kiểm soát chất lượng con giống rất khó khăn.
Năm 2011, ngành xuất khẩu nhuyễn thể có nhiều cơ hội tăng trưởng, bởi năm nay, nhuyễn thể sẽ tiếp tục là thành phần làm đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, như chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, cơ hội sẽ vượt qua nếu chúng ta không giải quyết được các vấn đề cấp thiết nêu trên./.