Chưa có chiến lược, chưa tiếp cận được đối tác tiềm năng, quy hoạch để quản lý không chi tiết, ưu đãi đầu tư khó thực hiện…
Đó là những cụm từ được nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng sử dụng trong bài phát biểu của mình, tại một hội thảo về vai trò quản lý địa phương trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, diễn ra chiều 17/1.
Những gợi mở của ông Thắng phản ánh phần nào thực tế công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài của Việt Nam, nhưng cũng với hàm ý muốn thông qua hội thảo để tìm kiếm những giải pháp vẹn toàn hơn cho công tác thu hút FDI, vốn lâu nay ít có thay đổi về chất. Nhiều chuyên gia quốc tế đã góp ý về vấn đề này. Và quan điểm của họ về thu hút đầu tư nước ngoài có phần khác biệt so với Việt Nam.
Bắt đầu từ “biết mình”
“Trước hết, địa phương đóng vai trò quan trọng để thu hút nhà đầu tư tương lai, địa phương là người khởi đầu ý tưởng, cụ thể là đẩy mạnh hiệu ứng tổng hợp, đổi mới sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quảng bá thông tin về lợi thế của địa phương”, Giám đốc Quỹ đầu tư Onestain, ông Oliver Dombrowmsky nói.
Chia sẻ quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư bang Brandenburg (Cộng hòa Liên bang Đức) Stefan von Senger nhìn nhận, thu hút đầu tư chính là marketing, như thế là phải có chiến lược, bao gồm mục tiêu đề ra và quy định rõ những con đường có thể đạt được mục tiêu.
Cái khó của Brandenburg là từ vị trí địa lý. Bao bọc lấy Berlin, được coi là vùng cận nông thôn và không thể cạnh tranh được về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực trình độ cao với thủ đô, trong khi phía Đông tiếp giáp với Ba Lan, nơi chi phí nhân công chỉ bằng 1/3. Bị kẹp giữa hai khu vực cạnh tranh gay gắt nhưng Brandenburg lại là địa phương năng động nhất nước Đức, có tốc độ phát triển kinh tế cao trong 3 năm gần đây. Một trường hợp tham khảo thú vị.
“Chúng tôi biết hạn chế về mặt địa lý của bang, chúng tôi đã tìm giải pháp, phân tích kế hoạch thu hút đầu tư, đâu là nhà đầu tư phù hợp với kế hoạch phát triển”, ông Stefan von Senger cho hay.
“Không phải các ngành nghề đều có thể áp dụng tại mỗi địa phương, khu vực giống nhau. Muốn hình thành thì phải tìm hiểu sâu sắc về thế mạnh địa phương mình”, Giám đốc Quỹ đầu tư Onestain nói rõ thêm. Các tiêu chuẩn để xác định lĩnh vực mạnh, theo chuyên gia này, là sở hữu công nghệ cao, đầu tư cho nghiên cứu triển khai, có khả năng xuất khẩu,…
“Để xây dựng chiến lược quảng bá thu hút đầu tư, chúng tôi xây dựng theo hai hướng dưới lên và trên xuống. Chúng tôi khuyến khích các địa phương nên hợp tác với nhau để quy hoạch phát triển, giảm bớt những suy nghĩ hạn hẹp xuất phát từ địa phương để đưa ra giải pháp phát triển chung, kêu gọi nhà đầu tư quan tâm”, ông Stefan von Senger lưu ý.
Nguyên lý là cần tập trung hỗ trợ đầu tư nhiều hơn ở những vùng có thế mạnh chứ không phải các vùng chậm phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao nhiều hơn doanh nghiệp khác. Thay vì chỉ hỗ trợ tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa như trước đây, hiện nay Brandenburg sẵn sàng hỗ trợ kinh phí, tài chính cho tập đoàn lớn để mong muốn thu hút dự án công nghệ vào địa phương này.
“Năm năm trước, chúng tôi đã có cuộc cách mạng cải cách các lĩnh vực hỗ trợ. Và như vậy, với chiến lược tập trung vào các vùng đã mạnh rồi, chúng tôi thu được kết quả lớn”, Stefan von Senger nhấn mạnh. “Nếu chúng ta có chế tài, thể chế để địa phương hướng tới khai thác thế mạnh của mình thì họ sẽ có sự tự tin và sức sáng tạo lớn”, ông nói.
Cluster, tư duy mới
Cluster, tư duy mới
Giám đốc Quỹ đầu tư Onestain cũng nhấn mạnh đến một quan điểm mới trong thu hút đầu tư theo cluster (cụm ngành nghề) như là một tư duy dài hạn. Nguyên tắc là phải xác định nhóm ngành nghề có tác động cơ bản đối với khu vực. Tức là phải lựa chọn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực, tạo hiệu ứng tiếp theo đến các doanh nghiệp khác tiếp tục đến đầu tư.
“Cluster có thể nói là khái niệm thần kỳ”, ông nói. Bốn khái niệm thế nào là cụm ngành nghề, theo chuyên gia này là: cùng liên quan đến giáo dục đào tạo; cùng quan hệ khách hàng và nhà cung cấp; thuộc một cơ cấu nhóm ngành nghề hay chuỗi gia tăng giá trị; và giới hạn cảm nhận cá nhân.
“Hình thành nhóm ngành nghề là chiến lược lâu dài, thường là hướng nội để đẩy mạnh thế mạnh, tiềm năng của địa phương, hình thành ngành nghề để sản phẩm không thể du nhập từ bên ngoài vào”, ông Oliver Dombrowmsky giải thích.
Một ví dụ thành công với bang Brandenburg được ông Stefan von Senger dẫn ra để tham khảo. Sau khi công ty hóa học BAFF, một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hóa chất cơ bản lớn hướng đến xuất khẩu, đầu tư vào bang này, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu ra của nhà máy.
“Với BAFF, chúng tôi đã tìm kiếm các nhà đầu tư sử dụng đầu ra của họ, kể cả những nhà đầu tư bên ngoài nước Đức. Trong 10 năm vừa qua, chúng tôi đã tìm kiếm được rất nhiều doanh nghiệp liên quan. Điều này không chỉ đúng với BAFF mà cả những dự án khác”, ông Stefan von Senger dẫn chứng.