Sau 4 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), chủ động hơn nữa để tận dụng các cơ hội vẫn được coi là yếu điểm chưa khắc phục được ở các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.
Hội nhập kinh tế quốc tế rất nhanh nhưng tổ chức thực hiện ở trong nước chưa tốt bởi nhiều cơ quan ở trung ương và nhiều địa phương xây dựng chương trình hành động sau khi gia nhập WTO khá hình thức. Thực tế này được chứng minh khi chúng tôi đi kiểm tra, một số địa phương còn không nhớ bản chương trình hành động được cất ở đâu, là nhận xét của ông Phạm Chí Thành, đến từ Văn phòng Chính phủ tại Hội thảo xây dựng Dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây.
Cho rằng, nhiều bộ, ngành, địa phương ít nhắc tới chương trình hành động nói trên là bởi công việc hàng ngày cũng khá trùng với nội dung chương trình hành động, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng không phủ nhận thực tế “thiếu chủ động” trong hội nhập kinh tế của cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.
“Ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên bị ảnh hưởng nhiều nhưng cần nhìn nhận rằng, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn rất yếu kém, cơ cấu đầu tư nước ngoài vẫn chưa tốt, thể hiện qua việc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nhập siêu”, ông Tuyển nói.
Bàn về các giải pháp tận dụng cơ hội từ hội nhập, ông Phạm Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) nói rằng, việc quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn phải có được vị trí quan trọng trong hệ thống các giải pháp nâng cao năng lực hội nhập. “Việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị cũng như nông thôn nhằm tạo một cơ sở vững chắc cho chúng ta hội nhập kinh tế tốt hơn, nhưng hiện chúng ta đang yếu trong công tác quản lý đô thị. Ngoài ra, do đầu tư còn hạn chế nên đã dẫn tới tình trạng lộn xộn tại các đô thị, làm giảm khả năng cạnh tranh”, ông Toàn nêu ví dụ.
Ở góc độ chuẩn bị nguồn nhân lực để khai thác cơ hội từ hội nhập, bà Nguyễn Lan Hương (Viện khoa học Lao động xã hội) cho rằng, cần nghiên cứu rõ ràng về việc di dân ở trong các địa phương cũng như dịch chuyển nhân sự nước ngoài vào Việt Nam khi hội nhập kinh tế như hiện nay. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư nước ngoài liên quan tới nguồn nhân lực cũng tiếp tục cần được nghiên cứu. “Liệu đã đến lúc chúng ta thu hút đầu tư dựa trên chất lượng nhân công cao chưa hay vẫn thu hút đầu tư dựa trên một trong những lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ?” cũng là một trăn trở được các chuyên gia ngành lao động nhắc tới khi nói về các giải pháp hội nhập trong thời gian tới.
Đề cập nguyên nhân khiến chúng ta chưa tận dụng triệt để cơ hội, ông Tuyển cũng cho rằng việc chưa chuẩn bị đủ các yếu tố trong nước là nguyên nhân chính. “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, khả năng cạnh tranh trong sản xuất yếu kém là thực tế mà chúng ta cần phải đối mặt. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn thiếu những tiêu chí để lựa chọn các kênh hội nhập kinh tế”, ông Tuyển nêu một loạt những nguyên nhân và cho rằng, cần sớm khắc phục những điểm này mới tận dụng tốt cơ hội hơn trong thời gian tới.
Hiện nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn tới năm 2020 đang được các cơ quan góp ý soạn thảo để trình trong phiên họp Chính phủ tháng 2/2011. Các chuyên gia kỳ vọng rằng, khi các giải pháp mạnh mẽ được ban hành, những cơ hội từ hội nhập kinh tế sẽ được tận dụng tốt hơn nữa trong thời gian tới.