Tin tức

Liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền

Thời gian gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng miền đã được chú trọng, thể hiện qua những văn bản ký kết hợp tác. Đây là hoạt động nhằm phát huy lợi thế của các địa phương, vùng miền, mang đến những sản phẩm và chất lượng du lịch tốt nhất. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, phương thức hoạt động này chưa mang lại hiệu quả thật sự …
 

Nhìn vào lợi thế, việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương sẽ tạo thành khu vực du lịch mạnh về địa điểm, dịch vụ, cơ sở hạ tầng… Đây là việc làm không mới đối với nhiều nước trên thế giới. Thông qua các dự án liên kết du lịch giữa các địa phương sẽ cắt giảm được giá thành sản phẩm và khách hàng có nhiều cơ hội trong việc tìm địa điểm, lựa chọn các dịch vụ phù hợp thị hiếu của từng du khách. Tại Singapore, các địa điểm du lịch vườn chim dù nằm ở các địa phương khác nhau nhưng khi liên kết, du khách mua vé cùng lúc ở 3 điểm sẽ được giảm giá 30%, Giám đốc tiếp thị Công ty Du lịch Vietmark, ông Trương Hoàng Phương nêu dẫn chứng.

Ở nước ta, thời gian gần đây nhiều vùng miền và các tỉnh đã ký văn bản thỏa thuận liên kết phát triển du lịch. Trong tháng 11 vừa qua, khu vực Việt Bắc có triển khai liên kết phát triển du lịch “Về nguồn Việt Bắc”. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng: Việc Bắc là khu vực có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, là nơi có nhiều cảnh quan hùng vĩ, đa dạng về mặt sinh thái và văn hóa. Tuy nhiên, để Việt Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc khai thác tài nguyên du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, chương trình du lịch thống nhất. Đặc biệt, các tỉnh cần phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa…

Cũng khoảng thời gian đó, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Bình Thuận cũng ký hợp tác xây dựng sản phẩm, quảng bá và đầu tư để phát triển tam giác du lịch của vùng… Tuy nhiên, theo đánh giá chung sự liên kết này mới chỉ là giữa các cơ quan chức năng với nhau. Không ít doanh nghiệp không biết đến chủ trương này. Họ vẫn phải tự mình bươn chải như tự tìm đến từng địa điểm, chỗ ăn ở để tạo sản phẩm du lịch cho riêng mình. Còn du khách thì không thể tự mình lựa chọn tour theo ý muốn và vẫn phải chấp nhận bị các dịch vụ đi kèm chặt chém… Ví dụ như cách đây vài năm khi Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh bắt tay ký liên kết phát triển du lịch, đã có một vài cuộc hội thảo nhằm đưa ra những ý tưởng, kế hoạch chung, tuy nhiên, nhìn vào hành động cụ thể dễ dàng nhận thấy, tất cả mới chỉ trên “bàn giấy”.

Các chương trình xúc tiến quảng bá chung vẫn chưa được thực hiện, ngoại trừ cuộc vận động bầu chọn vịnh Hạ Long vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới và quảng bá cho 1000 năm Thăng Long theo sự chỉ đạo từ Bộ VH – TT và DL. Không có sản phẩm du lịch mang tính liên kết ba địa phương. Không có bất kỳ tờ rơi nào quảng bá du lịch Hải Phòng ở Quảng Ninh và ngược lại. Giá cả các dịch vụ du lịch, điểm vui chơi, mua sắm, ăn, nghỉ mỗi nơi một kiểu và chênh lệch nhau quá lớn.

Thực tế là các địa phương đều nhận thức được tiềm năng và lợi ích trong việc liên kết du lịch, tuy nhiên, đi sâu từng chi tiết, lên bản kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động thì chưa bên nào chịu thực hiện là nguyên nhân chính, từ đó xây dựng những chương trình, hoạt động mang tính thống nhất. Thế nên, các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm. Hệ luỵ của việc thiếu những hành động cụ thể, tích cực từ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp khiến nhiều chiến lược liên kết du lịch trong nhữäng năm qua vẫn chỉ mang tính ý tính ý tưởng, ít khả thi.

Ông Phạm Trung Lương – Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam đồng tình: “Từ trước đến nay, nhiều đề án liên kết được lập ra nhưng có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nội dung của đề án đó và nhận thức của người lãnh đạo địa phương về vấn đề liên kết để phát triển. Hiện các địa phương đều có quy hoạch định hướng phát triển du lịch nhưng sự gắn kết vùng miền còn hạn chế. Địa phương nào cũng muốn đạt số lượng doanh thu cao nhất nhưng lại ít chú ý tới tính liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm với những cam kết về hợp tác. Sự hợp tác và liên kết cần những nỗ lực chung và quyết tâm từ các địa phương chứ không phải là những lời hứa suông”… Và để mô hình liên kết phát huy hiệu quả thì phải có thêm nhiều động thái tích cực từ phía nhiều phía. Quan trọng hơn cả là cần sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và địa phương – Phó giám đốc Công ty Lữ hành Thế hệ Trẻ Trần Thế Dũng đề xuất.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status