Tin tức

Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam: Tái cấu trúc dòng vốn FDI

Sau hơn 2 thập kỷ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2010, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam đã có một quan điểm mới về thu hút dòng vốn quan trọng này.

Tăng tỷ lệ giải ngân

Ông Lại Văn Vương, Phó trưởng phòng Đăng ký đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho hay, sở dĩ, TP.HCM đạt tỷ lệ giải ngân cao như vậy là do năm nay, hơn 2/3 dự án có quy mô vốn đăng ký vừa phải và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ và chế tạo… Điều này chứng tỏ, vốn đăng ký chỉ đơn thuần là những cam kết, tiếp theo những cam kết, quan trọng hơn hết là động thái thực sự của nhà đầu tư, và tỷ lệ giải ngân không có gì khác hơn là cụ thể hóa động thái đó.

 

Trong khi đó, “người láng giềng” Đồng Nai lại tạo dấu ấn, khi dự án tăng vốn  đầu tư lại bỏ xa dự án cấp mới cả về số dự án và lượng vốn. Theo đó, Đồng Nai đã có 62 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đạt 887,7 triệu USD. Theo thông tin từ Phòng Hợp tác đầu tư nước ngoài (Sở Kế hoạch và Đầu tư) dù kết quả thu hút FDI năm 2010 chỉ bằng 52% (đạt 1,5 tỷ USD) so với năm 2009, nhưng bù lại, trong số 41 dự án đầu tư mới vào KCN đều là những dự án có quy mô dưới 7 triệu USD, nên thời gian triển khai nhanh.

 

Ông Nguyễn Lục Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho hay, vốn thực hiện trong năm qua đạt 800 triệu USD, tăng 12,36% so với cùng kỳ, trong đó, có tới 520 triệu USD đầu tư vào các KCN. “Kết quả này xuất phát từ việc một số doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định sản xuất sau khủng hoảng kinh tế, trong đó có nhiều nhà đầu tư  lớn như: Toshiba (Nhật Bản), hay Robert Bosch (CHLB Đức)… đều đã lần lượt tăng vốn mở rộng đầu tư”, ông Nguyễn Lục Hòa nhận định.

 

Hiện tượng tăng vốn cũng diễn ra tại tỉnh Bình Dương. Ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương (BDIZA) cho hay, trong số 387,6 triệu USD thu hút đầu tư vào các KCN, đã có đến 268 triệu USD (thuộc 65 dự án) xuất phát từ hoạt động tăng vốn.

 

 

Nghiêm túc trong hậu kiểm

 

Không chỉ đặt trọng tâm vào chất lượng đầu vào, năm qua, các địa phương trên đã  đẩy mạnh công tác “hậu kiểm” đối với khu vực FDI.

 

Sau khi TP.HCM phát lệnh “khai tử” đối với 40 dự án bất động sản “trùm mền” trên địa bàn, thì tại Đồng Nai, cũng tiến hành chấm dứt hoạt động của 35 dự án (tổng vốn 143 triệu USD).

 

Cùng với việc hậu kiểm và chấn chỉnh tiến độ thực hiện dự án, các đơn vị có trách nhiệm đã phát hiện ra một số nhà đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư. Theo đó, lực lượng kiểm tra, thanh tra đã phát hiện 4 trường hợp không hoạt động tại trụ sở đăng ký, nhưng vẫn sử dụng giấy chứng nhận đầu tư để hoạt động, nhằm tránh nộp thuế. Ông Nguyễn Lục Hòa cho hay, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra trong thời gian tới và trình lên UBND tỉnh những trường hợp vi phạm để đưa ra những biện pháp xử lý thích đáng. “Nghiêm túc trong hậu kiểm cũng là biện pháp quan trọng làm tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư”, ông Nguyễn Lục Hòa cho biết.

 

Trong khi đó, ông Huỳnh Xuân Vinh, Phó phòng Hợp tác và đầu tư nước ngoài (Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng thông báo, năm 2010, tỉnh đã rút giấy phép của 16 dự án với tổng vốn 230 triệu USD, tuy vậy, đa phần trong số đó là chuyển đổi hình thức đầu tư, nhà đầu tư chủ động xin rút

 

Mạnh tay nhất trong vấn đề này, phải nói đến tỉnh Bình Dương. Ông Lê Việt Dũng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cho hay, năm qua, tỉnh cũng đã rút giấy phép của 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc da và liệt 41 doanh nghiệp vào “danh sách đen” gây ô nhiễm môi trường.

 

 

Nói không với bệnh thành tích

 

Với mục tiêu nâng cao chất lượng cho dòng vốn FDI, các địa  phương đang có xu hướng không đặt nặng câu chuyện “vốn đăng ký” như một vài năm trước đây. Do đó, khi được hỏi về mục tiêu thu hút FDI trong năm 2011, duy chỉ có TP.HCM và Đồng Nai là lần lượt đặt mốc 1,5 – 2 tỷ USD, còn lại, các “đầu tàu kinh tế” của Vùng KTTĐ phía Nam đều đưa ra con số khá khiêm tốn.

 

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương này đặt trọng tâm tu hút đầu tư 500 triệu USD. 

 

Còn theo ông Lê Việt Dũng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, năm qua, ngoại trừ các ngành dịch vụ, thi công xây lắp, bất động sản bán lẻ, Bình Dương đã ngưng cấp giấy phép cho doanh nghiệp sản xuất bên ngoài KCN, do vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN sẽ có duy nhất một lựa chọn: tăng vốn để ổn định và mở rộng sản xuất. “Kết quả trên phản ánh đúng định hướng thu hút đầu tư của Bình Dương: không thu hút FDI bằng mọi giá, không chạy theo “thành tích vốn” mà chú trọng vào chất lượng đầu tư”, ông Dũng nói.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status