Các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đã bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng đầu tư công trong nhiều năm qua kém hiệu quả, từ đó đề nghị cần có sự thay đổi tận gốc trong việc sử dụng ngân sách, các nguồn vốn cho đầu tư công…
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Đ.TOÀN
Hội thảo “Tái cấu trúc đầu tư công trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế ở VN” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội VN, UNDP tổ chức tại TP Huế trong hai ngày 28 và 29-12.
Cần bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư
Đánh giá về đầu tư công tại VN trong 10 năm qua, TS Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế VN) cho biết tổng vốn đầu tư trong xã hội tăng liên tục thời gian qua từ 115.000 tỉ đồng vào năm 2000 lên 371.000 tỉ đồng năm 2009, gấp 3,2 lần, điều này cho thấy xét về cơ cấu thì khu vực kinh tế nhà nước vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất trong đầu tư xã hội.
Theo TS Anh, cùng với nguồn vốn đầu tư công tăng, nợ công cũng tăng lên trong những năm gần đây, chỉ riêng nợ nước ngoài năm 2005 là 14,208 tỉ USD, năm 2009 là 27,929 tỉ USD, tương đương 39% GDP; đến hết năm 2010, nợ chính phủ tương đương 45,5% GDP và nợ công bằng 56,7%.
“Thâm hụt ngân sách là căn bệnh kinh niên, trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu lại trở nên trầm trọng hơn. Tốc độ tăng thu ngân sách luôn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP. Trong mười năm, cơ cấu đầu tư không thay đổi rõ rệt, chứng tỏ Nhà nước không sử dụng đầu tư công làm công cụ có tác động đột phá trong chiến lược phát triển” – TS Anh nhấn mạnh.
Cũng theo TS Anh, Nhà nước cần từ bỏ mô hình tăng trưởng “nóng”, dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư và gia công sản xuất, chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu; thay đổi cơ cấu chi tiêu ngân sách theo hướng giảm bớt chức năng “nhà nước kinh doanh”, đồng thời tăng cường chức năng “nhà nước phúc lợi”, như tập trung đầu tư công vào một số lĩnh vực trọng điểm, có tính đột phá như xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm; thay đổi thể chế đầu tư công theo hướng đảm bảo tính thống nhất của chiến lược phát triển quốc gia…
Theo TS Trần Du Lịch (phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), lâu nay chúng ta thường nói đến bội chi ngân sách và nợ công nhưng chủ động bội chi ngân sách bằng con đường vay nợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đó là chính sách tài chính công ích tích cực trong điều kiện tích lũy nền kinh tế còn thấp, có gắn với nhiều điều kiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, “nếu tiếp tục đầu tư như thời gian vừa qua thì không chỉ gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính mà còn góp phần gây bất ổn vĩ mô” – ông Lịch nói.
Nên công khai chi tiêu công
Nhìn nhận dưới góc độ đầu tư công với doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đóng góp vào GDP cho đất nước của khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 38,52% năm 2000 xuống còn 34% năm 2008, nhưng vốn và tài sản cố định của khu vực kinh tế nhà nước tăng lên rất nhanh. Đặc biệt, theo ông Doanh, các công trình của doanh nghiệp nhà nước mặc dù có nghiệm thu nhưng không ít công trình vừa khánh thành đã bị hỏng, xuống cấp, điều đó cho thấy hiệu quả thấp.
Cũng theo ông Doanh, toàn bộ vốn đầu tư từ ngân sách, từ vốn viện trợ phát triển (ODA) đều do doanh nghiệp nhà nước thực hiện, doanh nghiệp tư nhân chỉ là thầu phụ. Cùng với ưu đãi nguồn vốn, tình trạng vay nợ và nợ của doanh nghiệp nhà nước cũng đáng báo động, mà nợ ở đây được coi như “nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ”.
Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng cần minh bạch trong đầu tư công, như công khai trên website về các dự án, hồ sơ trúng thầu, kinh phí thực hiện… Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thế Du – giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (TP.HCM) – nói đó cũng là cách để tăng hiệu quả đầu tư công.
Theo ông Du, một trong những giải pháp cần có là Nhà nước cần giảm đầu tư công, tăng đầu tư từ khu vực tư nhân, bởi một khi “ôm” quá nhiều tiền thì vượt khả năng quản lý. “Những năm qua Nhà nước làm thay thị trường quá nhiều, trong khi đó những công trình, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư lại không chứng minh được hiệu quả. Những công trình, dự án nào chứng minh được hiệu quả theo những bộ tiêu chí nhất định mới cho đầu tư, có như thế mới mong có hiệu quả trong đầu tư công” – ông Du nói.