Ngày 21/12/2010, Hội thảo môi trường và cơ hội đầu tư tại Việt Nam do Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (KOTRA) tại Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc – Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Park Young Jun, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc. Ông Kwak Dong Woon, Phó Giám đốc Điều hành KOTRA và các doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Hàn Quốc.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Lê Tiên (Báo Đấu thầu)
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau nhìn nhận lại môi trường đầu tư tại Việt Nam, những chính sách ưu đãi và cơ hội đầu tư và chia sẻ của những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư thành công tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu về những chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong khoảng 10 năm tính đến năm 2009, đã có khoảng 8.867 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư trên phạm vi cả nước, trong đó, vốn đăng ký cấp mới khoảng 124,4 tỷ USD, tăng khoảng 3 lần so với giai đoạn 1991 – 2000. Riêng năm 2008, vốn đăng ký đạt mức cao nhất: 71,7 tỷ USD. Năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số vốn đăng ký vẫn đạt 23,1 tỷ USD.
Hàn Quốc là nước đứng thứ 2 về đầu tư nước ngòai tại Việt Nam với 2.621 dự án và vốn đăng ký là 22,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản, công nghiệp nhẹ… Hàn Quốc cũng là nhà tài trợ lớn cho Việt Nam với 17,5 triệu USD viện trợ không hoàn lại/năm vào năm 2008 – 2009. Trong Hội nghị CG 2010, Hàn Quốc đã cam kết tài trợ cho Việt Nam hơn 400 triệu USD.
Theo ông Sun Seogki – Giám đốc KOTRA Hà Nội, quan hệ giao lưu kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc đang trên đà tăng trưởng. Hàn Quốc đứng thứ 10 trong các nước xuất khẩu sang Việt Nam, đứng thứ 6 trong số các nước có thương mại với Việt Nam.
Theo đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam của KOTRA, Việt Nam là nước có tình hình chính trị ổn định xã hội. Việt Nam có khả năng thay thế thị trường Trung Quốc, đang hình thành thị trường rộng lớn với 86 triệu dân. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số rào cản như thủ tục hành chính phức tạp; tiêu chuẩn thu nhập còn thấp; thị trường lưu thông từng lĩnh vực kém phát triển.
Cũng theo báo cáo Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS),Việt Nam được đánh giá là một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn đầu tư. Việt Nam có nguồn lực dồi dào và chi phí lao động cạnh tranh. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực trung tâm Đông Nam Á.
Việt Nam đã có những chính sách để khuyến khích đầu tư nước ngoài như: nhà đầu tư được phép đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Mức thuế xuất ưu đãi 10%, 20% tuỳ theo lĩnh vực ngành nghề, địa bàn đầu tư. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: tối đa 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Các chính sách ưu đãi tài chính, tiền tệ, lao động; ưu đãi về đất đai; hỗ trợ đầu tư.
Hội thảo cũng đề cập đến vấn đề Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và định hướng phát triển bằng hình thức hợp tác Công – Tư (PPP) mục tiêu hỗ trợ kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo và tăng cường phát triển bền vững. Tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tăng hiệu quả đầu tư công, giảm nợ công, đạt được ưu thế thông qua thị trường vốn dành cho việc đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Các quy định đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc mục tiêu thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhất trong và ngoài nước để phát triển cơ cở hạ tầng cung cấp dịch vụ công. Vốn đầu tư khu vực tư nhân không được làm ảnh hưởng hoặc làm tăng nợ công./.