Tin tức

Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc năm 2010

Ngày 10/12, tại thành phố Yên Bái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo Tây Bắc, UBND tỉnh Yên Bái cùng với 12 tỉnh trong khu vực Tây Bắc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc năm 2010.

 

 

 

 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Thanh Tùng

 

 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Thanh Tùng

 

Tham dự và chỉ đạo Diễn đàn có đồng chí Trương Vĩnh Trọng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc và đại biểu của các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài.

Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc gồm: Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng và các huyện phía Tây của 2 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Diện tích cả vùng rộng gần 110 km2, chiếm 33% diện tích cả nước, chiếm 13,5% dân số cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng giai đoạn 2005 – 2008 đạt 11,7 %, năm 2009 đạt 9,38 %, 6 tháng đầu năm 2010 đạt 11,6 %.  

Tây Bắc là vùng có cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế – xã hội khó khăn, tập trung nhiều đồng bào dân tộc. Chính vì vậy trong nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ đã tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của Vùng. Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc lần nay là một phần trong những cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư của các địa phương và của toàn khu vực Tây Bắc. Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài trao đổi, thảo luận và tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh tại các tỉnh Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tính đến hết tháng 10 năm 2010, Vùng có 253 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, chiếm gần 0,8% tổng vốn FDI của cả nước. Vốn đầu tư bình quân một dự án 6 triệu USD, thấp hơn bình quân của cả nước (16 triệu USD/dự án). Trong 10 tháng đầu năm 2010, Vùng đã thu hút được 10 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 38,4 triệu USD, 5 lượt dự án tăng vốn, tổng số vốn tăng thêm là 166,39 tiệu USD. Như vậy trong 10 tháng đầu năm 2010, luồng vốn FDI chảy vào Vùng (cả vốn cấp mới và tăng vốn) là 204,79 triệu USD. 

Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 160 dự án, tổng vốn đăng ký 988,6 triệu USD, chiếm 63,2% về số dự án và 64,4% về vốn đăng ký; khai khoáng với 11 dự án, tổng vốn đăng ký 148,6 triệu USD, chiếm 4,3% về số dự án và 9,7% về vốn đăng ký. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp thuỷ sản có 26 dự án, tổng vốn đăng ký là 109,5 triệu USD. Lĩnh vực dịch vụ có 17 dự án với tổng số vốn là 98,64 triệu USD. 

Trên địa bàn vùng Tây Bắc, Lào Cai là tỉnh dẫn đầu về thu hút ĐTNN với 54 dự án, tổng vốn đầu tư gần 504 triệu USD, chiếm 21,3% tổng số dự án và 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của toàn Vùng. Đứng thứ 2 là Phú Thọ với 67 dự án, tổng vốn đăng ký với 425,3 triệu USD, chiếm 26,5% tổng số dự án và 27,7% tổng vốn đầu tư đăng ký của Vùng. Lạng Sơn đứng thứ 3 với 32 dự án, tổng vốn đầu tư 148,7 triệu USD, chiếm 12,6% số dự án và 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký của Vùng. Tiếp đến là các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Hoà Bình, Yên Bái,… 

Đến nay, cả nước có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, riêng Vùng Tây Bắc đã có 25/92 quốc gia tham gia đầu tư. Trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với 100 dự án, tổng vốn đăng ký 596,7 triệu USD, chiếm 39,5% số dự án và 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của Vùng. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc có 61 dự án số vốn đăng ký đạt 423 triệu USD chiếm 24,1% số dự án và 27,5 % về vốn đăng ký. Đài Loan đứng thứ 3 với 20 dự với 103,1 triệu USD chiếm 6,7% về vốn đăng ký. Tiếp theo là Cook Islands chỉ có 1 dự án nhưng số vốn đăng ký 87 triệu USD chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. 

Tại Diễn đàn này, Lãnh đạo Chính phủ cùng với lãnh đạo các địa phương trong Vùng, các tổ chức quốc tế, chuyên gia cao cấp, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước… được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin với nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà Vùng Tây Bắc có tiềm năng và lợi thế so sánh, cụ thể là phát triển cơ sở hạ tầng, trồng, chế biến nông lâm thổ sản, khai thác khoáng sản, dịch vụ thương mại du lịch, đồng thời thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư vào Vùng Tây Bắc trong thời gian tới. 

Cũng tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư lần này, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt trên 12.224 tỷ đồng, tương đương 626 triệu USD. Tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận cho 5 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 3.672 tỷ đồng, tương đương 188,3 triệu USD.  

Các địa phương trong vùng cũng đã ký thoả thuận đầu tư 3 dự án với tổng vốn dự kiến 2.014 tỷ đồng, tương đương 103 triệu USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn đã ủng hộ quỹ an sinh xã hội các tỉnh Tây Bắc với số tiền trên 1,1 tỷ đồng./.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status