Tin tức

Đối tượng sử dụng vốn tài trợ sẽ phải có khả năng hoàn trả

Các nhà tài trợ cho Việt Nam tiếp tục khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam; cơ cấu nguồn vốn tài trợ sẽ được thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết như vậy khi đánh giá kết quả Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2010.

 

 

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về con số 7,9 tỷ USD mà các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam trong năm tài khoá 2011? 

7,9 tỷ USD là một con số ấn tượng. Con số này phần nào nói lên mối quan hệ của Việt Nam với các nhà tài trợ, các đối tác phát triển hiện tại và trong cả tương lai. Các nhà tài trợ song phương và đa phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới (WB) đều tăng. Hiện tại, với 2,6 tỷ USD cam kết, WB là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam.  

Các khoản vay ưu đãi này chủ yếu được dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở giao thông, một số khoản vay cho các dự án liên quan đến chống biến đổi khí hậu.  

Như vậy, tính tới Hội nghị CG năm 2010 (Hội nghị CG lần thứ 18), tổng vốn tài trợ cho Việt Nam mà các nhà tài trợ cam kết lên tới trên 64 tỷ USD. Cùng với sự phát triển của Việt Nam, nội dung tài trợ, cơ chế viện trợ, cơ cấu nguồn vốn tài trợ sẽ được thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. 

 

Có nghĩa là, với vị thế mới là quốc gia có mức thu nhập trung bình, nhu cầu về các khoản tài trợ của Việt Nam sẽ giảm đi, thưa Bộ trưởng?  

Trước mắt, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp. Do vậy, các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt là chống biến đổi khí hậu đòi hỏi phải chi tiêu lớn. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong các lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ này.

 

Đối với một số lĩnh vực có thể thu hồi vốn như xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp nước, cấp điện, hệ thống giao thông…, Việt Nam sẽ kết hợp nhiều nguồn vốn tài trợ, các nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất cao hơn và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân.  

 

Như vậy, thưa Bộ trưởng, Việt Nam đã có kế hoạch cho sự dịch chuyển từ vốn ODA sang các nguồn vốn khác?

Đây không phải là sự dịch chuyển, mà là thay đổi cơ cấu nguồn vốn. Ví dụ, trước đây, phần lớn các khoản cam kết ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và WB là vay ưu đãi với lãi suất 0,75%, thời hạn 40 năm. Đặc biệt, khi nói tới ODA, yếu tố cho không hay được nhắc tới. Ví dụ, với các khoản vay ưu đãi của WB, thì yếu tố cho không chiếm tới 80%. 

Tới đây, Việt Nam sẽ chuyển sang sử dụng nguồn vốn kém ưu đãi hơn, điều kiện khó khăn hơn, như nguồn vốn tín dụng thông thường (OCR) của ADB hay nguồn vốn từ Ngân hàng Tái thiết phát triển (IRBD) của WB. Các khoản vay từ nguồn vốn này có thời gian vay ngắn hơn, lãi suất cao hơn, nhưng phù hợp với giai đoạn phát triển của các nước có mức thu nhập trung bình.  

Khi thay đổi cơ cấu nguồn vốn, đối tượng sử dụng vốn của các nhà tài trợ sẽ thay đổi. Đối tượng sẽ là các dự án, công trình phục vụ nền kinh tế phát triển, nhưng phải có khả năng hoàn vốn, trả nợ. 

 

Thưa Bộ trưởng, liên quan đến tình hình giải ngân nguồn vốn ODA của Việt Nam, các nhà tài trợ tham dự Hội nghị CG năm nay đánh giá thế nào? 

Các nhà tài trợ đánh giá tình hình giải ngân vốn ODA của Việt Nam ngày càng tiến bộ. Cũng có một số khâu, một vài dự án chậm tiến độ. Hiện Chính phủ Việt Nam đang cùng các nhà tài trợ khắc phục.  

Nhưng chúng ta không thể so sánh giải ngân ODA của năm 2010 là 3,5 tỷ USD với cam kết năm nay là 7,9 tỷ USD, bởi để thực hiện giải ngân số vốn cam kết này, sẽ phải tiến hành các thủ tục như ký kết hiệp định, chuẩn bị dự án và triển khai dự án. Thường thì thời gian chuẩn bị này mất khoảng 1 năm sau khi cam kết được ký.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status