Nghị định 29/2008/NĐ-CP được đề xuất sửa đổi theo hướng tiếp tục phân cấp cho ban quản lý khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN); cơ chế ưu đãi đầu tư được đề nghị duy trì như trước năm 2009.
Dẫn lời của một nhà đầu tư Nhật Bản về việc nếu Việt Nam không sửa đổi quy định về ưu đãi đầu tư, thì rất có thể các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn một địa điểm khác để dừng chân, ông Ngô Mạnh Hợp, hàm Vụ trưởng, Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ), khi phát biểu tại Hội thảo Cơ chế, chính sách phát triển KCN, KCX, khu kinh tế (KKT), tổ chức ngày hôm qua (23/11/2010) tại Hà Nội, đã không ngần ngại đặt câu hỏi: “Vì sao Bộ Tài chính lại bỏ ưu đãi đầu tư đối với các KCN, KCX”?
Trên thực tế, đây cũng là một trong những vấn đề mà các ban quản lý và các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, KCX, KKT “kêu” nhiều nhất trong thời gian gần đây (xem chuyên đề trên Báo Đầu tư, số ra ngày 22/11/2010). Tại Hội thảo, nhiều ý kiến, nhiều đề xuất liên quan tới vấn đề này được đưa ra.
Chia sẻ những khó khăn này của các doanh nghiệp đầu tư trong KCN, KCX, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, quy định KCN không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu như trước, cộng với quy định mới về giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu hút đầu tư vào KCN, KKT trong thời gian qua.
“Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và có phương án điều chỉnh pháp luật về thuế để đảm bảo ưu đãi đầu tư vào KCN như trước đây. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xem xét trên cơ sở ý kiến của các địa phương để điều chỉnh quy định hiện hành (Nghị định 69/2009/NĐ-CP) về giá đất đền bù giải phóng mặt bằng cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”, Thứ trưởng Đông nói.
Tuy vậy, ưu đãi đầu tư chỉ là một trong những vấn đề ảnh hưởng tới hoạt động của các KCN, KCX, KKT trong thời gian gần đây. Điều mà các ban quản lý các KCN, KCX, KKT đôi khi cảm thấy chưa thực sự thỏa đáng còn là những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ chưa rõ ràng, cho dù Nghị định 29/2008/NĐ-CP về KCN, KCX, KKT đã đề cập việc này.
Thậm chí, theo ông Hợp, một số địa phương còn chưa hiểu hết về vai trò, vị trí của các ban quản lý KCN, KCX, KKT. Thế nên, mới có chuyện có nơi sở lao động – thương binh – xã hội lại “ủy quyền” cho ban quản lý KCN, KKT quản lý về lao động. Điều này là không hợp lý, bởi đây là hai cơ quan có cấp hành chính ngang nhau, cùng trực thuộc UBND tỉnh và thực tế, đây là cơ chế ủy quyền lại.
“UBND cấp tỉnh nên ủy quyền trực tiếp cho ban quản lý các KCN, KKT”, ông Lê Tân Cương, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ quan điểm và cho biết, hiện nay, việc phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý các KCN, KKT trong một số lĩnh vực còn chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước. Bởi vậy, các ý kiến của các ban quản lý gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tình trạng có địa phương ủy quyền cho các ban quản lý đầy đủ trên các lĩnh vực, có địa phương chỉ ủy quyền một số lĩnh vực.
“Theo quy định của Nghị định 29/2008/NĐ-CP, ban quản lý các KKT trực tiếp cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trong KKT, nhưng đến nay, vẫn chưa hề có hướng dẫn cụ thể về việc này, cũng như chưa có mã số cơ quan cấp đăng ký kinh doanh nên trên thực tế, ban quản lý các KKT không thể thực hiện nhiệm vụ này”, đại diện Ban quản lý KKT mở Chu Lai nói và cho biết, cả Bộ Công thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đều chưa ủy quyền cho Ban quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cũng như cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh trong KKT mở Chu Lai đối với doanh nghiệp du lịch nước ngoài.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, các bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất cần khẩn trương quy định để có hướng làm cơ sở cho UBND cấp tỉnh triển khai ủy quyền đầy đủ theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP. “Các địa phương cần tiếp tục triển khai cơ chế phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý KCN, KKT, đảm bảo cho các ban quản lý thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo quy định. Ngoài ra, cần chủ động triển khai cơ chế phân công, phối hợp trong công tác quản lý nhà nước KCN, KKT ở địa phương một cách hiệu quả, theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Khẳng định sự ra đời của Nghị định 29/2008/NĐ-CP là hết sức kịp thời, cần thiết để xây dựng một hệ thống các quy định quản lý KCN, KKT trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, song ông Cương cũng thừa nhận, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc triển khai nghị định này trong thực tế. Chính vì thế, theo ông Cương, sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 29/2008/NĐ-CP theo hướng tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý các KCT, KKT trên các lĩnh vực; quy định cụ thể hơn cơ chế phân cấp, ủy quyền, hướng dẫn phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương trong triển khai quản lý KCN, KKT, xây dụng hệ thống thông tin toàn quốc về KCN, KKT. Tương tự như vậy, việc sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ – CP sẽ tập trung cả vào việc kiện toàn bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT ở Trung ương và địa phương, cũng như quy định bổ sung thẩm quyền của các ban quản lý trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, lao động, môi trường…