Tin tức

Việt Nam hấp dẫn nhất khu vực với vai trò thầu phụ

Bộ Ngoại giao Thụy Điển vừa thành lập Hội đồng Doanh nghiệp và Phát triển nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa Thụy Điển và 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Ngài Staffan Herrstrom, đã trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước, cũng như về Hội đồng này.

 


Thưa Ngài, sáng kiến thành lập Hội đồng Doanh nghiệp và Phát triển nhằm đạt những mục tiêu gì?

 

Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã quyết định thành lập Hội đồng Doanh nghiệp và Phát triển. Hội đồng có nhiệm vụ cố vấn cho Chính phủ phương thức hiệu quả nhất để sử dụng một cách tốt nhất những kinh nghiệm và kỹ năng của doanh nghiệp Thụy Điển tại các nước đang phát triển.


Việt Nam là một trong 7 nước được thực hiện thí điểm để tận dụng kinh nghiệm của các doanh nghiệp Thụy Điển nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững. Kinh nghiệm của Việt Nam và các nước thí điểm sẽ được báo cáo lên Hội đồng tại Stockholm (Thủ đô Thụy Điển), để từ đó sẽ xây dựng mô hình hợp tác.

 

 

Doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển sẽ được hưởng lợi gì, thưa ngài?

 

Việc Đại sứ quán của Thụy Điển tại Việt Nam được chọn là một trong những địa bàn thực hiện thí điểm cho thấy, Chính phủ Thụy Điển đã nhận thấy tầm quan trọng của việc mở rộng và phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với Việt Nam.

 

Hầu hết các doanh nghiệp Thụy Điển có mặt tại Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ với các đối tác địa phương, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự kết hợp đó đã tạo điều kiện chuyển giao công nghệ vì lợi ích của cả hai bên.

 

 

Tại sao Ngài lại đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Thụy Điển và Việt Nam?

 

Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969. Đã từ lâu, vốn hỗ trợ của Thụy Điển dành cho Việt Nam chủ yếu tập trung vào các chương trình, dự án hợp tác phát triển và nhiều chương trình, dự án, ví dụ như Nhà máy Giấy Bãi Bằng… đã đem lại thành công đáng kể và hiệu quả tốt.

 

Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Thụy Điển. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2009 đạt khoảng 500 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2005. Thực tế này cũng khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam. Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp Thụy Điển đang có mặt tại Việt Nam.

 

Thêm vào đó, Việt Nam hiện là nước hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á với vai trò nhà thầu phụ, sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là trong ngành may mặc, giày dép, đồ gỗ gia dụng, công nghệ thông tin…

 

Tôi tin tưởng rằng, sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam.


Trung tâm Công nghệ môi trường (CENTEC) sẽ được thành lập và chính thức hoạt động vào đầu năm tới cũng nhằm thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững và công nghệ sạch, cũng như các hoạt động có liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Mục đích chính của CENTEC là hỗ trợ các đối tác thuộc khu vực công và tư của hai nước.


Việt Nam và Thụy Điển đã ký Hiệp định Hợp tác phát triển cho giai đoạn 2009 – 2011. Hiệp định này đã được thực hiện như thế nào và Ngài mong chờ gì từ Hiệp định?


Hiệp định tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực. Thứ nhất, môi trường và biến đổi khí hậu. Thứ hai, báo chí, quyền con người và dân chủ, kể cả phòng, chống tham nhũng. Đây chính là hai lĩnh vực mà Thụy Điển đang đóng vai trò chính, đại diện cho các đối tác phát triển.


Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ dần dần chuyển từ phương pháp hợp tác truyền thống sang phương pháp hợp tác đối tác dựa trên cơ sở quan hệ bình đẳng, đôi bên đều có lợi.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status