Tin tức

Vốn đầu tư ra nước ngoài chưa đạt kỳ vọng

Hiệu quả của đồng vốn mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong suốt 21 năm qua đạt mức thấp.

Với tổng nguồn vốn đã chuyển ra bên ngoài để đầu tư là 1,79 tỷ USD, trong khi lợi nhuận chuyển về chỉ là 39 triệu USD (doanh thu lũy kế là 981 triệu USD), tỷ suất lợi nhuận tính chung cho cả giai đoạn 21 năm, kể từ khi Việt Nam có dự án đầu tiên đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) vào năm 1989, hiện ở mức rất thấp: 0,46%.

 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là những con số thống kê chưa đầy đủ, bởi nó chỉ được tổng hợp dựa trên báo cáo của 300/558 dự án đã được cấp giấy chứng nhận ĐTRNN.

 

“Con số này có thể lớn hơn, vì nhiều dự án quy mô nhỏ và vừa đầu tư có doanh thu sớm và có khả năng thu hồi vốn, có lợi nhuận nhanh, nhưng chủ đầu tư thực hiện chưa nghiêm túc chế độ báo cáo, chưa chuyển tiền về nước hoặc đang sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư”, ông Trung nói và cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận chuyển về nước chưa được như kỳ vọng đó là vì nhiều dự án ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn triển khai, hoặc vừa đi vào hoạt động.

 

Dự thảo Báo cáo Tổng kết tình hình ĐTRNN của Việt Nam giai đoạn 1989 – 2010, mà Cục Đầu tư nước ngoài đang xây dựng, cho thấy, mặc dù có dự án ĐTRNN đầu tiên vào năm 1989, nhưng phải từ năm 2006 đến nay, ĐTRNN mới thực sự tăng tốc. Chỉ trong 5 năm này, đã có 410 dự án ĐTRNN, với tổng vốn đăng ký 7,05 tỷ USD. Trong khi đó, giai đoạn 10 năm đầu tiên, chỉ có 17 dự án, với vốn đăng ký 13,6 triệu USD.

 

Đầu tư bao giờ cũng có độ trễ, nên khó có thể đòi hỏi ngay một kết quả như mong muốn. Tuy vậy, với tỷ suất lợi nhuận đạt thấp, dư luận tất nhiên băn khoăn về hiệu quả của việc ĐTRNN. Hơn thế, chính Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng đã phải thừa nhận, doanh thu và lợi nhuận của các dự án ĐTRNN “chưa tương xứng với số tiền bỏ ra”.

 

Một vị đại diện đến từ PVN cho biết, cho tới nay, PVN đã đầu tư các dự án ở nước ngoài với số tiền 1,056 tỷ USD và đã chuyển về nước được hơn 31 triệu USD. Nhìn vào số liệu có thể thấy, phần lớn số tiền mà các doanh nghiệp Việt Nam chuyển ra nước ngoài để đầu tư là thuộc về PVN. Tương tự như vậy, lợi nhuận chuyển về cũng hầu hết của tập đoàn này.

 

“Đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, từ khảo sát, thăm dò tới khai thác, do đặc thù nên thời gian kéo dài. Hơn nữa, cũng do chúng tôi đã triển khai hơi nhiều dự án. Đầu tư trong lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro”, vị đại diện này giải thích và cho biết, trong số 26 dự án mà PVN đang triển khai, tập đoàn này đã phải dừng và kết thúc 6 dự án. Tổng số tiền đã chi cho 6 dự án này là 10,6 triệu USD.

 

Việc Việt Nam khuyến khích ĐTRNN là nhằm nhiều mục đích, trong đó có cả vấn đề liên quan đến ngoại giao, an ninh, quốc phòng. Tuy vậy, theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, không thể không tính đến hiệu quả về mặt tài chính. Thậm chí, một quan chức của Bộ Tài chính, khi “cân đong” luồng tiền vào – ra của đồng vốn ĐTRNN đã thẳng thắn cho rằng, nếu dự án thực sự có cơ hội mang lại lợi nhuận cao, gấp 1,5-2 lần đầu tư trong nước thì hãy nên đầu tư. Hoặc là, dự án đó phải mang về được những nguồn nguyên liệu mà trong nước không có, hoặc thiếu hụt lớn. “Còn nếu không, trong bối cảnh trong nước còn thiếu vốn, có lẽ không nên”, vị này nói.

 

Trên thực tế, khi phân tích về hiệu quả tài chính của việc ĐTRNN, ông Bùi Quốc Trung cũng cho rằng, mặc dù về lâu dài, hiệu quả vốn đầu tư có thể khả quan hơn sau khi các dự án đầu tư đi vào hoạt động, nhưng về mặt ngắn hạn thì có vấn đề cần phải xem xét.

 

“Đã và đang có sự mất cân đối giữa dòng tiền đầu tư ra và dòng tiền chuyển về nước của các dự án ĐTRNN”, ông Trung nói và cho rằng, việc sắp tới đây, sẽ có một sự dịch chuyển lượng vốn tương đối lớn của Việt Nam ra nước ngoài có thể ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn đầu tư trong nước, cũng như tạo thêm gánh nặng cho cán cân thanh toán của Việt Nam, vốn đang khá căng thẳng.

 

“Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, nên cần được đánh giá để có giải pháp phù hợp đảm bảo hài hòa dòng tiền ra và vào Việt Nam, đầu tư trong nước, cũng như khả năng cân đối cán cân thanh toán của nền kinh tế”, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài viết.

 

Liên quan tới vấn đề này, kể cả sau khi nghe Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định về tiềm năng lớn, khả năng sinh lời của các dự án mà tập đoàn này đang ĐTRNN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông vẫn không khỏi băn khoăn về số lượng vốn mà TKV cần cho kế hoạch này (khoảng 1,2 – 1,5 tỷ USD). “Ngay cả khi TKV chỉ đầu tư 50% trong số này, thì cũng cần phải cân nhắc, bởi nó liên quan đến cân đối vĩ mô của nền kinh tế”, Thứ trưởng Đông nói và cho rằng, có thể, cần phải tính toán cả khả năng giới hạn tối đa ĐTRNN như thế nào.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status