Tôm là mặt hàng xuất khẩu số 1. Trong giai đoạn này, mặt hàng tôm sẽ bảo hòa và có sự cạnh tranh quyết liệt giữa Việt Nam, Thái Lan, Inđônêxia… Thị trường Mỹ sẽ sớm thành thị trường hàng đầu.
Trong hội Thảo Cơ hội Tiếp cận – Mở rộng thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng ngày 2/11/2010, Ông Nguyễn Hoài Nam Phó TTK Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã đưa ra nhận định về xu hướng 3 thị trường chính giai đoạn 2010 – 2015. Ông cho rằng:
Thị trường Nhật: suy giảm thời gian dài, duy trì mức tiêu thụ cao 65 kg/người/năm; và sẽ tăng mức kiểm soát ATTP (chỉ tiêu kiểm và tần suất kiểm).
Đối với mặt hàng tôm: nhu cầu nhập của Nhật ổn định trong 3 năm trở lại đây và dự kiến tiếp tục ổn định nhu cầu này trong 2 – 3 năm tới với mức 190 – 200.000 tấn/năm. Việt Nam đã & đang là nhà cung cấp tôm số 1 cho Nhật Bản (39 – 43.000 tấn/năm). Tuy nhiên đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi 2 nước cung cấp thứ 2 & thứ 3: Thái Lan và Inđônêxia, đặc biệt là Thái Lan có mức tăng trưởng XK từ năm 2009 gần 30%, trong khi Việt Nam giảm gần 6%.
Thị trường Mỹ: Mặc dù đồng USD giảm và thiếu ổn định, sức tiêu thụ giảm trong năm 2008 – 2009, nhưng đã tăng trở lại vào năm 2010; lượng tiêu thụ tăng tới 24 kg/người/năm. Do đó, Thị trường Mỹ tăng trưởng thời gian dài, sớm thành thị trường hàng đầu. Đồng thời, Mỹ tăng mức kiểm soát ATTP, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sản xuất nội địa và thêm nhiều các chứng nhận tự nguyện.
Nhu cầu nhập tôm của Mỹ lớn nhất thế giới (555 – 570.000 tấn/năm) và ổn định. Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 5 tại thị trường này (40 – 43.000 tấn/năm) và đang có dấu hiệu giảm sút bắt đầu từ cuối 2009. Thái Lan là số 1 (180 – 195.000 tấn/năm) và vẫn giữ mức tăng trưởng 5 – 10% hiện nay.
Thị trường EU27: Tăng số lượng, ổn định tiêu thụ vào khoảng 21 kg/người/năm; Thủy sản nhập khẩu tăng (cá tra từ Việt Nam, hàu từ Chilê…). EU27 tăng mức kiểm soát ATTP, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sản xuất nội địa; và thêm nhiều các chứng nhận tự nguyện.