Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài là thông điệp chính được chuyển tải và nhận được sự đồng thuận của hơn 150 đại diện nhà đầu tư và 35 quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham dự Hội nghị “Cổng đến Việt Nam” do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) phối hợp với McKinsey tổ chức tại TP.HCM sáng qua (11/11).
Điểm chung được các diễn giả nhắc tới nhiều là, tuy còn nhiều bất cập trong ngắn hạn, nhưng “bức tranh kinh tế Việt Nam” vẫn được nhìn nhận đầy lạc quan. Ông Thomas W Tobins, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong các ngành sản xuất, công nghệ cao. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng hấp dẫn với “khẩu vị” của nhiều nhà đầu tư, do tiềm năng còn rất lớn.
Mặt khác, theo ông Marco Breu, Giám đốc điều hành Văn phòng đại diện McKinsey & Company Singapore Pte Ltd, điều đáng khích lệ khác là Việt Nam đã làm rất tốt để đảm nhận vai trò của số 1 trong mệnh đề “Trung Quốc + 1” được nhiều nhà đầu tư thực hiện trong 3 năm trở lại đây.
Ông Jose Isidro N Camacho (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines), Phó chủ tịch Credit Suisse châu Á – Thái Bình Dương khẳng định: “Tôi tin Việt Nam có ‘độ bật’ rất tốt trong tăng trưởng GDP”.
Ở giác độ đối trọng, đại diện cho 17 doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia Hội nghị, ông Lương Quang Hiển, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô (KDC) chia sẻ, Hội nghị là cơ hội để KDC giới thiệu hình ảnh một tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận mời gọi đầu tư dưới nhiều hình thức như liên doanh, nhượng quyền thương hiệu khai thác đầu tư thế mạnh của KDC ở thị trường Việt Nam và khu vực.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần PNJ, một trong những doanh nghiệp nữ trang hàng đầu Việt Nam, đưa ra mục tiêu cụ thể hơn. Theo đó, PNJ sẽ tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư tiềm năng thực hiện mục tiêu tăng 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong năm 2011 ngay tại hội nghị này.
Tuy nhận định lạc quan, nhưng nhiều đại biểu tham gia Hội nghị đã nhấn mạnh đến những thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua. Theo ông Jose Isidro N Camacho, để duy trì tăng trưởng tốt và có thể lọt vào top 20 nước tăng trưởng tốt nhất toàn cầu trong 5 năm tới, Việt Nam cần chú trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Thomas W Tobins lại chỉ ra những mặt trái của tăng trưởng, như nhập siêu hàng tiêu dùng thiếu kiểm soát, áp lực lạm phát, thâm hụt thương mại…. Do vậy, kiềm chế lạm phát, duy trì lãi suất ở mức độ vừa phải để tạo thuận lợi cho hoạt động khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và các hoạt động của nhà đầu tư nói chung thật sự đang là thách thức đối với Việt Nam.
Trong khi đó, ông Marco Breu lại nhấn mạnh rằng, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần có cuộc “cách mạng” về năng suất lao động, vì theo khảo sát của McKinsey, với điều kiện hiện tại, nếu làm tốt cuộc cách mạng về năng suất lao động, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 2%, tương ứng 160 tỷ USD.
Một câu hỏi thời sự được đặt ra tại Hội nghị là tác động của động thái tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây. Về vấn đề này, ông Thomas Tobins lạc quan rằng, lãi suất chỉ là công cụ để cân bằng yếu tố kinh tế vĩ mô. Tăng lãi suất sẽ giúp chuyển hóa USD và vàng sang VND để hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế. “Các biến động tài chính hiện nay chỉ là nhất thời và mang tính chất ngắn hạn”, ông Tobins nói.
Cùng chung quan điểm này, ông Marco Breu cũng cho rằng, các biến động giá vàng, ngoại tệ trong thời gian gần đây chỉ là yếu tố tâm lý. Mặt khác, tuy Việt Nam đối diện nhiều thách thức, nhưng vẫn chưa đến mức nguy hiểm như nhiều nhà đầu tư lo ngại. Nói cách khác, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn và như lời ông Jose Isidro N Camacho, Việt Nam cần tăng cường tiếp thị hình ảnh của mình đến với cộng đồng nhà đầu tư thông qua nhiều hội nghị như thế này.