Tin tức

2012 – Dấu ấn chính sách phát triển KKT, KCN

Năm 2012, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, biến động, nhưng tình hình xây dựng và phát triển KCN, KKT nước ta vẫn đạt được một số kết quả tích cực, hoạt động của các KCN, KKT và các doanh nghiệp trong KCN, KKT khá sôi động với nhiều tín hiệu khả quan. Đây là kết quả từ những nỗ lực mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và đặc biệt không thể không nhắc đến những dấu ấn chính sách phát triển KKT, KCN quan trọng của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành.
Trước thềm năm mới 2013, phóng viên Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung – Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 29/2008/NĐ-CP – để cùng nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển KCN, KKT ở nước ta trong thời gian qua và đánh giá triển vọng, định hướng phát triển trong thời gian tới. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, kinh tế – xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút đầu tư vào các KCN, KKT. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, sự phấn đấu nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương và doanh nghiệp, tình hình thu hút đầu tư vào KCN, KKT mặc dù gặp khó khăn nhưng nhìn chung vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Trong năm 2012, các KCN cả nước đã thu hút được 366 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.017 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 329 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 2.840 triệu USD. Tính chung, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào KCN năm 2012 đạt 6.860 triệu USD, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 53% tổng vốn FDI cả nước, trong đó có một số dự án lớn đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2012, như: Dự án đầu tư giai đoạn 2 của Samsung tại KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn tăng thêm 830 triệu USD; Dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintex Việt Nam tại KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang; Dự án của Công ty TNHH sản xuất Toàn cầu LIXIL Việt Nam tại KCN Long Đức, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 441 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất sợi tại KCN Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Thép KYOEI Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản tại KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 184,4 triệu USD.

Lũy kế đến cuối năm 2012, các KCN trong cả nước đã thu hút được 4.519 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 60.300 triệu USD, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 32.400 triệu USD, bằng 54% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hiện nay đã có hơn 3.200 dự án đang sản xuất kinh doanh, 450 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản.

Về thu hút đầu tư trong nước, năm qua, các KCN đã thu hút được 336 dự án với tổng vốn đăng ký 38.900 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 85 dự án với tổng vốn tăng thêm 7.080 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2012, tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được đạt hơn xấp xỉ 46.000 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2011. Tính lũy kế đến hết năm 2012, các KCN cả nước đã thu hút được 5.063 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 530.040 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 242.630 tỷ đồng, bằng 46% vốn đăng ký.

Các KKT ven biển thu hút được 917,77 triệu USD vốn FDI và hơn 52 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, trong đó có một số dự án tiêu biểu như: Dự án sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su do Nhật Bản đầu tư tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất thuốc của Công ty TNHH Công nghiệp Nipro Pharma Việt Nam tại KCN VSIP với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD… Tính lũy kế các KKT cả nước hiện thu hút được 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 38 tỷ USD và 600 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 410 nghìn tỷ đồng.

PV: Có thể nói, các doanh nghiệp cũng vừa trải qua một năm đầy thách thức. Bên cạnh những kết quả thu hút đầu tư khá ấn tượng, xin Thứ trưởng cho biết, các doanh nghiệp trong KCN, KKT nước ta năm qua hoạt động sản xuất, kinh doanh như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong KCN, KKT cũng gặp không ít trở ngại.

Tuy nhiên, trong năm 2012, một số tập đoàn lớn trong KCN có sự đột biến trong tăng trưởng về doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là Tập đoàn Samsung, góp phần quan trọng đưa các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp KCN tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, tổng doanh thu của các doanh nghiệp KCN trong năm 2012 đạt hơn trên 60 tỷ USD (tăng 57% so với năm 2011) và 86,73 nghìn  tỷ đồng (tăng gần 20.000 tỷ đồng so với năm 2011); kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 38 tỷ USD và 37,7 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2011, bằng 33% so với giá trị xuất nhập khẩu của cả nước năm 2012; đóng góp vào ngân sách nhà nước 30,5 nghìn tỷ đồng và 416 triệu USD, tăng hơn 15% so với so với cùng kỳ.

Các KKT ven biển mặc dù được thành lập chưa lâu nhưng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương. Riêng trong năm 2012, các KKT ven biển đạt tổng doanh thu 8,8 tỷ USD và 23 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2011; giá trị xuất nhập khẩu đạt hơn 3,9 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước 21,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng với cùng kỳ 2011. Đến cuối năm 2012, các KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho hơn 2,15 triệu lao động trực tiếp.

PV: Những kết quả khả quan vừa nêu khẳng định nỗ lực mạnh mẽ của mỗi doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng đồng thời cũng cho thấy vai trò quan trọng của cơ chế, chính sách. Được biết, trong năm qua, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã kiên quyết thực hiện nhiều giải pháp, chính sách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về điều này?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Có thể nói, năm 2012 là một năm với nhiều dấu ấn chính sách đậm nét về phát triển KCN, KKT. Ngay từ đầu năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 470/NQ-UBTVQH13 ngày 27/2/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các KKT, KKT cửa khẩu, trong đó xác định những định hướng phát triển KKT trong thời gian tới. Ngày 07/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 671/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 470, trong đó xây dựng các nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan cần hoàn thành trong năm 2012-2013 để tăng cường hiệu quả của các KCN, KKT.

Tiếp đó, nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN, cụm công nghiệp (CCN), ngày 02/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg, trong đó đề ra các giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động của các KKT, KCN, CCN với định hướng chung là thắt chặt trình tự, thủ tục thành lập mới KKT, KCN, CCN, tạm dừng thành lập mới, bổ sung quy hoạch KKT, KCN, CCN và rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển KKT, KCN, CCN.

Sau khi Chỉ thị được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các Đoàn công tác hướng dẫn, kiểm tra tình hình triển khai, rà soát điều chỉnh quy hoạch KCN và rà soát các dự án đầu tư trong KKT, KCN tại các tỉnh thành Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Nhìn chung, các địa phương đều tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm, có 8 dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thành lập mới 6 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên là 829 ha và mở rộng 2 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên là 259 ha.

Cũng trong năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các đoàn rà soát quy hoạch KCN, tổng hợp các báo cáo rà soát của địa phương để xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch KCN đến năm 2020. Định hướng chủ yếu của phương án điều chỉnh quy hoạch KCN là có biện pháp xử lý các KCN như giảm diện tích, đưa ra khỏi quy hoạch, chuyển chủ đầu tư,… đối với những KCN được quy hoạch hoặc thành lập nhưng chậm triển khai và kém hiệu quả. Đồng thời, thực hiện theo dõi, kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch vốn hỗ trợ ngân sách trung ương (NSTW) cho đầu tư hạ tầng KCN, KKT ven biển năm 2012; tổ chức các đoàn kiểm tra sử dụng vốn NSTW cho KCN, KKT. 

Hiện nay, cả nước ta có 15 KKT ven biển. Việc đầu tư xây dựng các KKT đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi đó, điều kiện ngân sách nhà nước lại hạn hẹp. Đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số KKT ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015” cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các KKT được lựa chọn, khắc phục tình trạng đầu tư dài trải, kém hiệu quả; phân kỳ đầu tư, xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển các KKT. Theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 5 nhóm KKT ven biển được lựa chọn để ưu tiên tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn 2013-2015 gồm: Chu Lai – Dung Quất (Quảng Nam – Quảng Ngãi), Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Phú Quốc (Kiên Giang).

PV: Thưa Thứ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được và những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, thực tiễn phát triển KCN, KKT đã bộc lộ những bất cập và đang gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước; sự chồng chéo của các văn bản pháp luật, những mâu thuẫn trong các quy định về ưu đãi đầu tư,… ít nhiều đã và đang ảnh hưởng tới kết quả thu hút đầu tư… mà để giải quyết được những vấn đề này, chắc hẳn phải cần đến những dấu ấn đậm nét hơn về cơ chế, chính sách?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Cho đến thời điểm này, căn cứ pháp lý quan trọng quy định về KCN, KCX, KKT là Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ được ban hành năm 2008. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định 29 trong những năm qua cũng đã bộc lộ một số vướng mắc. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 29 nhằm hoàn thiện hệ thống các quy định về KCN, KCX, KKT đã được khởi động từ cuối năm 2011 và hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ vào tháng 11/2012.

Dự thảo Nghị định đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ hơn điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng KKT, KCN nhằm thắt chặt hơn nữa việc thành lập KCN, KKT, kiểm soát chặt chẽ thủ tục đầu tư, thành lập để tránh tình trạng thành lập tràn lan, không đúng quy định; tăng cường phân cấp quản lý nhà nước đối với KCN, KKT từ các bộ, ngành trung ương tới Ban Quản lý KKT, KCN, tăng cường vai trò đầu mối của Ban Quản lý KKT, KCN theo hướng một cửa, tại chỗ.

Bên cạnh đó, trong năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về xây dựng danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi áp dụng chung; sửa đổi, bổ sung quy định về KCN, KKT trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP, trong đó xây dựng Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư mới thay thế Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP về thuế thu nhập doanh nghiệp, đưa địa bàn KCN vào danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn để tăng cường thu hút đầu tư. 

Gần đây nhất, ngày 13/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1716/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan tới hoạt động của các KKT, KCN và các mô hình tương tự khác.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN lần thứ nhất được tổ chức ngày 13/12/2012 vừa qua, một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển KKT, KCN như ưu đãi đầu tư, sửa đổi, bổ sung Nghị định 29/2008/NĐ-CP cũng đã được các thành viên tập trung thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ đạo phát triển KKT, KCN sẽ có chương trình hành động cụ thể, hiệu quả nhằm nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các KKT, KCN và xây dựng cơ chế, chính sách cho các KCN, KKT trong năm 2013 và những năm tiếp theo.

 

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, trong năm 2013, công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT sẽ đặt trọng tâm vào các nhiệm vụ gì? Thứ trưởng dự báo như thế nào về bức tranh KCN, KKT nước ta trong năm 2013?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung: Trong năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm  của công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT được xác định như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và quy hoạch phát triển KKT, KCN. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ hai Đề án quan trọng là Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và mô hình quản lý nhà nước đối với KKT, KCN từ Trung ương tới địa phương và Đề án nghiên cứu định hướng, mô hình và cơ chế chính sách phát triển đặc khu kinh tế ở Việt Nam; đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý KKT, KCN. Đặc biệt, với nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu để chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp Ban Chỉ đạo trong năm 2013 nhằm định hướng và đưa ra những giải pháp hiệu quả đối với những vấn đề quan trọng, cấp bách liên quan đến sự phát triển của các KCN, KKT cả nước.

Hai là, rà soát, đánh giá toàn diện các dự án đầu tư trong KKT, KCN; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, đánh giá hoạt động của các dự án đầu tư vào KKT, KCN và phương án xử lý các dự án đầu tư kém hiệu quả, chậm triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất KKT, KCN.

Ba là, tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động và sử dụng vốn NSTW hỗ trợ hạ tầng KKT, KCN và triển khai quy hoạch KCN tại một số địa phương; hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014 và 3 năm 2013-2015 cho các KKT, KCN, CCN theo Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; hỗ trợ quá trình triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, của các đối tác lớn vào KKT, KCN; tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai hướng dẫn, giải quyết vướng mắc cho Ban quản lý KCN, KKT và các doanh nghiệp KCN, KKT thực hiện các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phát triển KKT, KCN và các Bộ, ngành, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2012, các KCN, KCX, KKT cùng với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN, KCX, KKT nước ta sẽ đạt được những bước phát triển mới, làm nên nhiều điểm sáng cho bức tranh kinh tế – xã hội của đất nước trong năm 2013.

PV: Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!

Tính đến cuối năm 2012, cả nước đã có 289 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 80.718 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 52.000 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 179 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 51.000 ha và 110 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 29.000 ha.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status